Tường thuật Đại hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam Thế giới kỳ 5 từ Kuala Lumpur




Chúng tôi nhận được bài viết này từ Kuala Lumpur, do một bạn trẻ đã tham dự Đại hội gửi đăng. Nhận thấy đây là một sinh hoạt khá thú vị và ít nhiều còn rất lạ lẫm với các bạn trẻ trong nước. Xin trân trọng giới thiệu.

Đại hội Thanh niên Sinh viên VN Thế giới được tổ chức hai năm một lần do Mạng lưới Tuổi trẻ VN Lên đường. Sau lần dự đại hội lần trước với rất nhiều kỷ niệm đẹp và ấn tượng khó phai về những người Việt Nam trẻ từ khắp mọi nơi trên thế giới luôn sục sôi một tinh thần yêu nước, một đầu óc cởi mở và đầy trẻ trung, năng lượng, tôi đến dự đại hội lần 5 ở Kuala Lumpur với tâm trạng hào hứng .

Tôi tới Kuala Lumpur vào buổi chiều ngày khai mạc Đại hội, nên đã bỏ lỡ buổi chiếu phim "Vượt sóng" của đạo diễn Hàm Trần. Đại hội bắt đầu với mục rước cờ của 17 quốc gia tham dự đại hội và những bài hát xúc động như "Thiên thần trong bóng tối" của nhạc sỹ Trúc Hồ viết tặng những chiến sỹ dân chủ lặng thầm và quả cảm ở trong nước. Tiết mục múa Chămpa cũng rất độc đáo và ấn tượng. Đại hội lần này nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan và cá nhân trên thế giới như bà dân biểu Loretta Sanchez ở Hoa Kỳ, dân biểu Martin Vallersnes của Na Uy, tổ chức đấu tranh vì dân quyền Rafto. Buổi tối hôm khai mạc khép lại bằng bữa ăn buffet và các đòan cùng nhau đi thăm thú thành phố Kuala Lumpur.

Sáng ngày 5-1, bài hội luận đầu tiên là của cô Đặng Thị Thanh Chi về chủ đề "Xã hội dân sự". Để không khí thêm phần thỏai mái, cô tổ chức chơi trò chơi đưa 12 phong bì quà cho 12 bạn để trao lại cho 12 bạn khác. Có những bạn giơ tay không được nhận quà, có bạn không giơ tay mà được nhận quà và có bạn giơ tay và nhận quà. Ba nhóm này sau đó thảo luận để đưa ra giải pháp đối thoại với người đưa quà để việc đưa quà diễn ra công bằng hơn. Mục đích của trò chơi là cho thấy vai trò của đối thoại và việc hình thành các nhóm độc lập với chính phủ (người đưa quà) sẽ tạo nên sức mạnh từ quần chúng, đưa ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội. Cô Thanh Chi định nghĩa xã hội dân sự là "một danh từ bao quát để mô tả cơ cấu xã hội và sinh hoạt ngòai lãnh vực gia đình và các định chế quốc gia, gồm các hội đòan tự nguyên và các tổ chức bất vụ lợi và các phong trào xã hội đấu tranh cho quyền lợi của mình. Các tổ chức này lập ra từ các liên hệ cộng đồng, lối xóm hoặc các sinh hoạt khác." Hiện nay ở Việt Nam sự hình thành của xã hội dân sự còn chưa có, người dân chưa ý thức được quyền lợi cũng như sức mạnh của mình. Có những công việc mà những nhóm nhỏ làm việc sẽ hiệu quả hơn một tổ chức cồng kềnh do chính phủ điều hành ví dụ như việc từ thiện, xây cầu cống, bảo vệ môi trường. Việc hình thành xã hội dân sự không chỉ quan trọng trong quá trình tiến lên một xã hội dân chủ, tự do mà còn góp phần làm cho mọi người có thêm tình đoàn kết giữa người với người, thêm hy vọng và tự tin vào khả năng đảm bảo đời sống của mình.

Chương trình workshop đầu tiên mà tôi tham gia là "Báo chí công dân trước bàn tay kiểm duyệt". Những bài phát biểu của họ xoay quanh các tờ báo, tổ chức quốc tế ủng hộ và khích lệ phong trào báo chí công dân. Vị khách mời đầu tiên là ông Shawn Crispin, giám đốc văn phòng của báo Kinh Tế Viễn Đông và Giám đốc văn phòng của Tạp chí Wall Street Á Châu, chủ bút cho tờ Asian Times Online . Với những phương tiện hữu hiệu hiện nay như blog, youtube, mass email, sms, phong trào báo chí công dân sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc mở mang dân trí, cung cấp thông tin nhiều chiều cho người dân và làm giảm khả năng kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên khi một bạn trẻ ở VN gợi ý là ở VN vẫn chưa thể in được báo giấy trong khi internet và sms không phải người dân bình thường nào cũng tiếp cận được, thì chưa có một vị nào đưa ra một câu trả lời thỏa đáng. Ông tổng biên tập báo Asian Times Online gợi ý các nhà báo ở VN nếu không được đăng bài ở VN thì có thể gửi tới báo của ông để đưa ra cộng đồng thế giới. Câu trả lời này được rất nhiều người đồng tình và tán thưởng. Khi một bạn trẻ khác hỏi về nguy cơ các trang web kích động bạo lực hoặc cực đoan có thể ảnh hưởng xấu tới người đọc thì ông trả lời tự do ngôn luận cũng có cái giá của nó và mỗi người đọc phải tự đánh giá và lựa chọn những thông tin phù hợp với bản thân mình, nhưng trước hết là tự do báo chí và tự do ngôn luận phải được cho phép. Hai diễn giả tiếp theo là ông Premesh Chandran, người sáng lập Malaysiakini, một tờ báo độc lập ở Malaysia và bà CHuah Siew Eng, điều hợp viên cảnh giác cho Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á. Họ tiếp tục trình bày về vai trò của truyền thông công dân trong những môi trường thiếu tự do và báo chí độc lập.

Chủ đề hội luận buổi chiều là "Từ độc tài tới dân chủ" với ba vị khách mời phát biểu là Chee Siok Chin, đảng viên đảng dân chủ Singapore, dân biểu Patrick Brown của Canada và Hoàng Tứ Duy, thành viên đảng VT. Tôi đặc biệt chú ý tới bài phát biểu của bà Chee Siok Chin bởi vì đối với nhiều người Việt Nam, Singapore có vẻ như một thiên đường hoàn hảo: an toàn, sạch sẽ, giàu có, dân trí cao. Nhưng theo bà thì xã hội Singapore cũng hết sức thiếu tự do, sự có mặt của xã hội dân sự là không có, người dân hết sức lệ thuộc vào chính phủ. Những nhà đấu tranh dân chủ ở Singapore cũng đã bị giam giữ cả 20, 30 năm mà không cần xét xử, hoặc bị kiện tới khi phá sản và không được cho phép rời khỏi Singapore. Cảm quan cá nhân của tôi là thấy rất buồn khi chứng kiến sự đấu tranh cô độc của bà, bởi vì hình như người dân Singapore không ý thức được họ đang thiếu đi tự do ngôn luận và quyền độc lập với chính phủ.

Vị khách mời thứ hai là anh Hoàng Tứ Duy từ đảng VT, anh trình bày tóm lược về các vấn đề trong xã hội Việt Nam như tệ buôn người sang Cambodia, cô dâu Việt ở Đài Loan, thiếu nhân quyền và tham nhũng tràn lan. Anh nhấn mạnh lại vai trò cực kỳ quan trọng của các tổ chức đối trọng với chính phủ, trong đó bao gồm các tổ chức dân sự để giải quyết các vấn đề xã hội và sự cần thiết của sự liên hệ giữa các cộng đồng hải ngoại cũng như quốc nội trong việc hình thành những tổ chức dân sự.

Người phát biểu cuối cùng là ông Patrick Brown, một dân biểu từ Canada. Ông đã từng phục vụ trong Ủy Ban Thường Trực về Công Lý và Nhân Quyền vào năm 2006 và 2007. Là một người tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm, ông khuyến khích các bạn trẻ hãy chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội để đóng góp cho cộng đồng, trong đó có những tổ chức quốc tế như IYDU (hiệp hội thanh niên dân chủ thế giới: International Young Democrats Union).

Các chủ đề chạy song song với hai hội luận nêu trên là "xây dựng phong trào lao động ở Việt Nam" "đối thoại của giới trẻ VN" "Truyền sức mạnh cho quần chứng từ các tổ chức cộng đồng" và "xây dựng lãnh đạo trẻ VN".

Bữa tối diễn ra trong không khí sinh động thoải mái hài hước với các tiết mục của các đoàn từ Châu Úc, Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi các đoàn say sưa hô vang "Âu Châu","Aussie, Aussie, Aussie", "Bắc Mỹ" thì có một bạn trẻ hô vang "Việt Nam" vậy là tất cả mọi người đều hô vang Việt Nam. Buổi tối kết thúc bằng một party sôi động tới 3, 4h sáng.

Sáng ngày 6-1 bắt đầu với buổi thảo luận về Trường Sa - Hoàng Sa là vấn đề đang rất nóng bỏng, có một số bạn trẻ từ VN nói với tôi là những thông tin này ở trong nước họ chưa bao giờ biết vì báo chí trong nước không bao giờ đăng tải. Còn các bạn trẻ hải ngoại thì một lần nữa ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, màn slideshow video "Ta là Một - we are 1" làm xúc động cả hội trường. Buổi hội luận có sự đóng góp qua Paltalk của anh Điếu Cày, thành viên CLBNBTD và các bạn trẻ trong hội trường đã tham gia biểu tình tại VN cũng như tại Anh Quốc. Hội luận đạt tới đồng thuận là chúng ta sẽ còn phải tiếp tục lên tiếng để bảo vệ tổ quốc, và các cộng đồng hải ngoại luôn sẵn sàng sát cánh và ủng hộ nhân dân trong nước trong quá trình lên tiếng này.

Sau đó, tôi đi dự hội luận "Xây dựng lãnh đạo trẻ Việt Nam". Hội luận này diễn ra khá thỏai mái và hài hước, nội dung chủ đề là nhấn mạnh sự cần thiết của những lãnh đạo trẻ Việt Nam, những người có khả năng tiếp cận nhanh chóng, có sự tự tin và năng lượng của thanh niên. Qua buổi hội luận một bạn trẻ đã phát biểu là cảm thấy có thêm động lực để đóng góp vào cộng đồng Việt Nam tại nơi bạn đang sống, đó cũng là điều rất ý nghĩa của đại hội.

Nội dung các hội luận còn lại: Huy động người dân ở hạ tầng để xây dựng các tổ chức quần chúng đấu tranh vì công bằng xã hội; Luật lao động và những chính sách có ảnh hưởng tới tổ chức công đoàn và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lao động dân chủ tại Việt Nam, và đối thoại giữa các bạn trẻ VN từ khắp mọi nơi trên thế giới về tâm tư cũng như nguyện vọng của họ.

Trước khi kết thúc đại hội, BTC phát một đoạn video về phong trào sinh viên dân chủ bất bạo động ở Serbia để lật đổ chính quyền độc tài đã gây ra bao đau thương trên đất nước này. Khi xem đoạn video, tôi cảm thấy có một sức mạnh ghê gớm chảy trong người, những mong một ngày được chứng kiến sức mạnh này từ các bạn sinh viên ở Việt Nam để đấu tranh đòi lại công bằng xã hội, trong sạch của chính phủ, tự do ngôn luận cũng như nhân quyền. Với phong trào biểu tình lan rộng như hiện nay, tương lai này hy vọng sẽ đến rất gần.

Đại hội khép lại với bài phát biểu xúc động của anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, cựu chủ tịch Mạng lưới Tuổi trẻ VN Lên đường và bản tóm tắt chương trình đại hội. Kết thúc chương trình tất cả các bạn trẻ ùa lên sân khấu dưới rất nhiều màu cờ hát vang bài hát "Dậy mà đi", "Bài ca tuổi trẻ", "Việt Nam, Việt Nam". Mọi người cùng hô vang "Việt Nam" và "Tuổi trẻ VN lên đường".

Có dịp trò chuyện với các bạn trẻ từ trong nước, phần lớn họ đều rất ấn tượng và luyến tiếc vì đại hội đã kết thúc, và mong muốn có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các bạn trẻ hải ngoại hơn nữa, vì tất cả đều có một điểm chung là có một tấm lòng đối với Việt Nam và một tinh thần trong sáng bất vụ lợi. Cầu mong một ngày nào đó, đại hội sẽ được diễn ra trên chính mảnh đất VN thân yêu của chúng ta.

Hải Anh

9 nhận xét:

  1. Bằng việc cho đăng bài viết này, CLB Nhà báo tự do đã tự nhận mình là một tổ chức phản động, chống Cộng, chống Việt Nam rồi. Vì ai cũng biết những kẻ tổ chức cái đại hội trên là các tổ chức phản động lự vong, điển hình là đảng Việt Tân...

    Trả lờiXóa
  2. Đưa tin một chiều: chỉ nhằm chống Việt Nam, không có thông tin nào nói tốt về VN. Thử hỏi CLB này có thực sự khách quan không ?

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đang mong báo nhà nước nói về chiều ngược lại của Đại hội này...người đọc đủ tỉnh táo để so sách hai chiều mà..những cái mũ giờ trở thành trò cười trong thời đại này..

    Trả lờiXóa
  4. Hai chuyện thôi:
    (1) Mời anh/chị trang thuy giải thích cho rõ: một “tổ chức phản động” là một tổ chức như thế nào? Cụ thể là tổ chức đó phải làm những gì để… ùm… đạt chỉ tiêu “phản động”? Nếu anh/chị có can đảm liệt kê đủ điều kiện để một tổ chức trở thành “phản động” thì sẽ lòi ra sự thật hiển nhiên: đảng Cộng sản là một tổ chức phản động!
    (2) Nói về đưa tin một chiều, tui cũng có thể nói mấy trăm tờ báo “quốc doanh” trong lòng bàn tay của đảng ta cũng thuộc loại này thôi, anh/chị đồng ý không? Chỉ làm đẹp mặt đảng, không đưa thông tin “xấu” nào về VN (nếu có thì sẽ nhục đảng). Thử hỏi mấy trăm tờ báo đó có khách quan không?

    Trả lờiXóa
  5. việc xây dựng xã hội dân sự và đấu tranh giải quyết các vấn đề xã hội bằng phương pháp bất bạo động thì có gì là phản động thưa chị?

    Trả lờiXóa
  6. Một sự kiện có nhiều người Việt nam tham dự từ nhiều nước TRÊN THẾ GIỚI là một sự kiện phải được các báo đưa tin NGAY và TRUNG THỰC.Bài viết trên là của một bạn trẻ tham dự tại chỗ tường thuật lại sự kiện.
    Nội dung bài viết phản ánh quan điểm của người viết,không thể hiện quan điểm của CLB NBTD.
    Nhiệm vụ của báo chí là phải đưa thông tin đến người đọc.
    Việc đưa thông tin tốt về VN đã có 702 tờ báo làm.Chúng tôi chỉ đưa những thông tin họ không muốn đưa lên báo nhằm bổ sung cho người đọc nhận được đầy đủ thông tin hơn.
    Những kiểu chụp mũ không cần tranh luận đã hết thời.Chúng tôi không dễ bị "lòe" vì thái độ kẻ cả của bạn.

    Trả lờiXóa
  7. Chi Trang này cứ nói hoài không biết chán. ai mà chống Việt Nam. Việt Nam là của 84 triệu dân. VN không đồng nghỉa với cái ác cái sai...

    Trả lờiXóa
  8. @Trang Thuy, Nếu cô hài lòng với cái sống không cần sự thật (=> gian dối) như trong blog của cô thì cứ tự nhiên, nhưng xin đừng ép buộc người khác phải như mình.
    Này để tôi định nghĩa rõ ràng cho cô hiểu nhá. Phản động là hành động phản dân hại nước, như những kẻ tham nhũng, nhận (lệnh) giặc làm cha. Hiện nay tôi có thể áp dụng từ này để diễn tả đảng đang cầm quyền, cho những người như cô, muốn mọi người sống trong sự giả dối từ trên xuống dưới.

    Trả lờiXóa
  9. Khi thấy Tổ quốc Việt Nam đang lâm nguy thực sự tôi,một thanh niên Việt Nam, thực sự cảm thấy buồn... vì vậy, tôi rất mong có thể dùng ngôn luận để nói lên quan điểm của mình. Nhưng cũng như bao con người Việt Nam khác, Có thể tôi gặp rắc rối với vấn để PHÁP LUẬT. VÌ vậy tôi rất mong được các anh chị trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự DO có thể giúp đỡ tôi để ngôn từ mình dùng ngày một sắc bén hơn; ghóp phần vào việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
    Tôi xin chân thành cảm ơn!

    Trả lờiXóa