Cầu nguyện cho Công lý và cầu nguyện cho nhà cầm quyền..




Đêm 11.01.2008, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. LM Vũ Khởi Phụng đã có một bài phát biểu thật cảm động và đầy sâu sắc trong lễ cầu nguyện chúng tôi xin lược ghi:

Kính thưa anh chị em, tất nhiên là chúng ta cầu nguyện cho mảnh đất của Tòa Khâm sứ được trở về với Giáo hội như ước mong của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội và không chỉ một mình đức Tổng Giám Mục Hà Nội mà còn toàn thế hội đồng Giám Mục Việt Nam chính các ngài đã làm nên việc ấy. Tất nhiên chúng ta cũng mong cho tất cả anh chị em của chúng ta ở Thái Hà được thỏa lòng, có thể nói rằng cái mảnh đất xương máu, cái mảnh đất chung của mình được trở về với cái mục đích chung của nó là để phục vụ Chúa.

Nhưng chúng tôi thiết tưởng, vấn đề không chỉ là hai mảnh đất, và cái quan trọng không phải là hai mảnh đất . Nhưng chúng tôi thiết tưởng hai mảnh đất này là một cơ hội để làm thổi đóm lên một khát khao, một nhu cầu của toàn xã hội và đặc biệt là toàn dân Chúa chúng ta. Sở dĩ có những cuộc tập hợp ở trước tòa Khâm sứ, sở dĩ có những cuộc tập hợp ở Thái Hà là vì có một nhu cầu tâm linh. Là bởi xã hội của chúng ta ngày nay đang thiếu chất tâm linh. Và khi xã hội thiếu chất tâm linh thì chúng ta có cái cảm giác về cuộc sống nó khe khắt hơn, nó bất nhân hơn, nó chà đạp con người nhiều hơn ...

Không biết là chính chúng ta, những người dân Chúa có lỗi gì chăng trong cái chuyện mà để cho chất tâm linh của xã hội nó cạn ? Chúng ta có lỗi gì chăng khi để cho xã hội này chỉ biết đến cơm, áo, gạo, tiền... Gần như chỉ còn biết đến ích kỷ, chỉ còn biết đến mạnh được yếu thua. Nếu chúng ta có lỗi gì đi chăng nữa chúng ta phải xin lỗi Chúa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, và cho dù là lỗi ai đi nữa thì chúng ta công nhận rằng xã hội chúng ta ngày nay là một xã hội thiếu tâm linh. Và cũng giống như một cơ thể, một khi khí huyết không lưu thông đầy đủ thì nó sẽ phát ra những cơn cảm cúm .. Phải chăng những vụ tập hợp bất bình thường ở Tòa Khâm Sứ hay ở Xí Nghiệp May Chiến Thắng ở Thái Hà nó cũng nói lên vấn đề thiếu tâm linh của xã hội. ..... vậy còn hơn hai mảnh đất mà chúng ta cầu nguyện.

Chúng ta cầu nguyện cho xã hội chúng ta là một xã hội biết thức tỉnh, biết nhạy cảm, biết đón nhận, biết dành chỗ cho các giá trị tâm linh. Vì sao bà con giáo xứ Thái Hà lại tha thiết đến như vậy để giữ gìn một mảnh đất. Tôi nghĩ nếu mà bà con yên tâm, yên chí mảnh đất đó phục vụ con người, phục vụ phẩm giá thì có lẽ là không có hăng hái đến thế đâu. Mà bà con đã hăng hái đến như vậy là bà con ý thức là xã hội của chúng ta cái sự bất công nó quá nhiều. Những tài sản to lớn được chuyển nhượng từ tay người này sang tay người khác thế kia mà thực ra là sở hữu của đại chúng. Sở hữu của con người, sở hữu của những người nghèo như là cái mảnh đất đã được mua cách đây 60 năm cái ý nghĩa của nó là như vậy.

Thế thì căn bệnh thứ hai của xã hội chúng ta là căn bệnh đã đánh mất niềm tin vào công lý bởi vì công lý không còn được tôn trọng. Công lý không còn có nhiều người tiếp tay để mà xây dựng. Và vì thế cho nên xã hội của chúng ta dù không có chính danh nhưng vẫn là một xã hội bạo lực. Vẫn là một xã hội mà con người bị o ép, con người bị bóc lột ..và chính cái tâm thức đó của người nghèo đã khiến cho anh em, chị em chúng ta đứng lên ở Thái Hà.

Sự có mặt đông đảo của anh chị em hôm nay chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên ý cầu nguyện cho hai mảnh đất chỉ là ý cầu nguyện phụ còn ý cầu nguyện chính là cầu nguyện cho xã hội chúng ta được đi vào thế giới của sự thật, được đi vào thế giới của nhân phẩm, được đi vào thế giới của niềm tin. Tin Chúa và tin nhau, thế giới của sự trung thành giữa con người với con người. Chúng ta làm thế nào xây dựng được một xã hội trong đó có sự công bình , chúng ta tìm gặp những người cùng ao ước công bình, cùng ao ước nhân phẩm, cùng ao ước tâm linh, cùng ao ước bình an để mà nối vòng tay lớn. Để mà nói rằng những khốn khó, những thiếu thốn như thế là đã đủ rồi. Hãy đứng lên để mà gây dựng những giá trị tích cực, hãy gây dựng lòng tin, lòng mến. Hãy gây dựng hòa bình, hãy gây công lý. Hãy tìm xem cụ thể nó là cái gì, hòa bình với ta bây giờ là cái gì. ? Công lý đối với ta bây giờ là cái gì ? Nhân phẩm đối với ta bây giờ là cái gì ? Đấy mới là lời Chúa. Nếu chúng ta nghĩ được những điều ấy ... vì lẽ đó mà chúng ta đã nghe lời thánh Phao lô " Anh em cứ vui lên, vì Chúa ở gần bên làm sao lòng đại từ nhân ái cho mọi người được biết, và nếu có lo lắng gì thì có Thiên Chúa, có sự bình an của Chúa ban cho anh em....Đó là sự bình an của niềm tin.

Chúng ta mong muốn có được hai mảnh đất ấy, dù hai mảnh đất ấy chúng ta chắng có lợi trực tiếp gì. ? Nhưng mà chúng ta muốn cái xã hội mà trong đó sự tự tư trục lợi , sự bóc lột và sự lừa gạt lẫn nhau đang hoành hành có mảnh đất nào đó mà chỉ nói lên sự hướng thượng... Chính vì điều đó , chúng ta đi với tâm hồn khó nghèo, chúng ta đi với tâm hồn hiền lành, chúng ta đi với tâm hồn khát khao công lý, chúng ta đi với tâm hồn thương xót những con người nhỏ bé đang chưa được sống đúng đích thật với cái nhân phẩm của con người.

Chúng ta chia sẻ thân phận với những người vì công lý mà bị mang tiếng xấu, bị kết án, bị lăng mạ. Đó mới chính là cái điều chính của buổi cầu nguyện hôm nay. Nếu điều ấy đến được , chúng ta không phải lo hai miếng đất hay năm miếng đất cái đó không thành vấn đề. Vì thế cho nên chúng tôi xin mời anh chị em cùng cầu nguyện ...

Có một điều rất đặc biệt trong buổi lễ cầu nguyện này. Buổi lễ cầu nguyện này không chỉ để cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Cầu nguyện cho các giáo dân đã và đang trải qua những ngày căng thẳng ở Hà Nội. Mà LM đã đề nghị toàn thể giáo dân và những người hiện diện trong buổi cầu nguyện này đừng quên gởi lời nguyện cầu đến cho hàng lãnh đạo của nhà nước này. Cha Phụng đã phát biểu:

Anh chị em thân mến, truyền thống chúng ta là luôn luôn cầu nguyện cho các vị lãnh đạo tôn giáo của giáo hội từ Đức Giáo Hoàng trở xuống. Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để họ được khôn ngoan để biết làm tất cả những gì cần thiết để phục vụ cho nhân dân. Được lòng can đảm để thực thi tất cả những gì là công lý để phục vụ nhân dân. Chúng tôi dâng tất cả thứ này lên hàng lãnh đạo của đất nước chúng ta. Chúng ta thường chê trách, đòi hỏi chứ không cầu nguyện cho họ sự khôn ngoan của Chúa. Và chính Chúa và lòng tin của chúng ta mới là những người cho họ được sáng suốt, được can đảm thực thi cái nhiệm vụ của họ đối với toàn dân.

Vâng, đúng như lời cha nói...chúng ta cùng cầu nguyện cho hàng lãnh đạo của chúng ta khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn , thông minh hơn. Để chúng ta có được một xã hội mà ở nơi đó niềm tin, sự công bằng xã hội và công lý phải được thực thi một cách trọn vẹn.

Lược ghi lại từ đêm cầu nguyện 11.01.2008

QV

1 nhận xét:

  1. Xin có 1 đính chính nhỏ : phát biểu yêu cầu giáo dân cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia là của Lm. Tôma Phạm Huy Lãm, Tu viện trưởng Tu Viện Kỳ Đồng, chủ tế buổi lễ hôm đó. Tôi rất thích phát biểu này, vì đúng là người ta chỉ chê trách và đòi hỏi nơi các nhà lãnh đạo mà quên bổn phận cầu nguyện cho họ

    Trả lờiXóa