Không học thêm là “đì” cho “mày” chết
Không học thêm là “đì” cho “mày” chết
Theo đơn khiếu nại ngày 4/5/2008 của chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ, hiện cư trú tại số: 1/6 Phan Văn Trị F14 quận Bình Thạnh, Tp HCM, là mẹ của cháu Lê Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 7A4, trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) thì từ bé đến giờ cháu Minh Châu luôn là học sinh giỏi, chăm ngoan (thể hiện trong sổ liên lạc của cháu). Vì cháu họcgiỏi, lại được ba mẹ kèm cặp ở nhà nên Châu không đi học thêm với cô Phùng Thị Kim Thư - giáo viên Toán trường THCS Hai Bà Trưng. Vì vậy, cô Phùng Thị Kim Thư đã có hành vi trả đũa phụ huynh bằng cách gây sức ép, trù dập Minh Châu đến nỗi cháu bé bị khủng hoảng tinh thần, dẫn đến “stress cấp” phải theo dõi điều trị lâu dài tại Bệnh viện Tâm Thần TP HCM.
Cụ thể, cô Phùng Thị Kim Thư đã quy chụp Minh Châu quay cóp bài trong giờ kiểm tra, buộc phải viết kiểm diểm. Điều ngạc nhiên là sau đó, khi sự thật được sáng tỏ, các bạn cùng lớp làm chứng là Minh Châu không quay cóp, nhưng cô Hà - Hiệu Phó vẫn gọi Minh Châu xuống Văn phòng, làm lại bài kiểm tra và viết cả tờ tường trình, cùng đưa đề Toán buộc cháu phải giải ngay tại chỗ. Chiều ngày 21/04/2008, trong lúc chào cờ cô Hà đã đưa việc Minh Châu ra nói với lời lẽ mập mờ, làm các cháu học sinh đều quay lại nhìn bé Châu vì biết cô Hiệu phó đang “ám chỉ bạn Minh Châu” (lời một cháu học sinh), làm cháu Minh Châu rất xấu hổ với bạn bè.
Chưa chịu dừng ở đó, cô Thư tiếp tục kéo bàn học sinh nhốt Minh Châu vào một góc lớp (cô lập như một phạm nhân côn đồ), rồi bắt Minh Châu phải làm bài kiểm tra riêng một lần nữa. Theo lời của chị Nghệ, bạn bè cháu kể lại rằng lúc đó cháu Minh Châu đã rất sợ hãi và khóc tức tưởi.
Từ đó, Minh Châu bị suy sụp tinh thần trầm trọng, thường xuyên sợ hãi, mất ngủ đến 2-3 giờ sáng mới ngủ được vài tiếng. Chị Nghệ nói: “Minh Châu vốn có tiền sử bệnh tim, nếu nó bị bệnh tim trở lại, hay stress hoặc tâm thần thì cô Thư cũng như cô Hà -Hiệu phó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tội ác đã gây cho cháu”.
Không phải chỉ có thế, cô Phùng Thị Kim Thư còn có hành vi không công bằng, đối xử phân biệt giữa học sinh có đi học thêm với cô và học sinh không đi học thêm với cô, bằng cách học sinh nào có học thêm thì ra đề Toán dễ, chấm nâng điểm cao dù làm bài sai, học sinh không đi học thêm thì ra đề khó và trừ điểm vô tội vạ.
Giờ học chính khóa tại trường thì các cháu học sinh lớp 7A4 đều nói như nhau: “Cô Thư chỉ dạy cho các bạn học ở lớp riêng của cô mà thôi”.
Đồng thời, cô Phùng Thị Kim Thư còn áp dụng một biện pháp rất phản khoa học, bóp chết sự sáng tạo trong môn Toán là học sinh chỉ được giải bài theo bài mẫu của cô, cháu nào áp dụng những định lý trong sách giáo khoa để giải bài bằng một phương pháp khác, dù đúng vẫn bị cô trừ điểm (coi như làm bài sai), làm các cháu mất cả động cơ phấn đấu học tập.
Riêng đối với cháu Minh Châu, cô Phùng Thị Kim Thư còn gây sức ép liên tục bằng cách buộc cháu bé làm liên tục ba bài kiểm tra trong 1 tuần nhưng không lấy điểm và cũng không trả bài cho cháu. Khi cháu hỏi thì cô Thư… không trả lời.
.
Gian nan hành trình chống cái ác để bảo vệ cho con
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Nghệ đã ba lần gởi đơn khiếu nại đến ông Huỳnh Văn Sang - Hiệu trưởng trường THCS Hai Bà Trưng để khiếu nại về hành vi giáo dục phản sư phạm và tư cách đạo đức của cô Phùng Thị Kim Thư. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Sang chỉ hẹn lần hẹn lữa và im lặng. Lần thứ 3, chị Nghệ cương quyết đòi ông Sang phải có văn bản trả lời khiếu nại đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo để chị khiếu nại lên cấp trên thì ông Huỳnh Văn Sang đã nhiều lần hằn học to tiếng với chị Nghệ rằng: “Chị quá đáng lắm”. Cuối cùng, ông Huỳnh Văn Sang cũng lòi ra được Công văn số 78/CV-HBT ngày 23/5/2008 để trả lời khiếu nại. Tuy nhiên, so với nội dung đơn khiếu nại thì cái sự trả lời này của ông Huỳnh Văn Sang có phần trớt quớt.
Không đồng ý với cách giải quyết của ông Sang, chị Nghệ tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận 3, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ông Kỳ - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận 3, đã rất nhiệt tình sốt sắng bảo cấp dưới (ông Ngô Văn Hiểu) viết biên nhận nhận hồ sơ khiếu nại, với lời hứa được ghi rõ trên giấy trắng mực xanh rằng: “Hồ sơ khiếu nại của chị Nghệ sẽ được giải quyết trong thời gian (1 tháng), kể từ ngày 28/5/2008. Trước thái độ nhiệt tình của ông Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, vợ chồng chị Nghệ mừng như bắt được vàng, tưởng rằng cái gốc căn bệnh u uất của con gái mình sẽ sớm được giải tỏa nên yên tâm về nhà chờ đợi.
Tuy nhiên, suốt một tháng dài vợ chồng chị Nghệ không hề thấy Phòng GD-ĐT quận 3 mời hỏi lấy một lời. Ngày 30/6/2008, vợ chồng chị đến Phòng GD-ĐT quận 3 để hỏi về việc giải quyết đơn khiếu nại của chị thế nào thì ông Hiểu bảo ông Kỳ nghỉ phép, hẹn đến ngày 3/7/2008. Đúng ngày hẹn, chị Nghệ lại đến thì một nhân viên khác của phòng Tổ chức nói ông Kỳ đi họp Đảng Bộ 2 ngày(?!). Sau đó, ông Kỳ lgọi điện thoại cho chị Nghệ bảo rằng ông "quên là cô giáo nghỉ hè, chờ đến ngày 15/8/2008 vào học sẽ giải quyết" (tức thêm 45 ngày nữa). Trước đề nghị quá vô lý và trái luật này, vợ chồng chị Nghệ không chấp nhận. Nhưng nể tình người quen, vợ chồng chị cũng đồng ý lùi thời hạn giải quyết khiếu nại thêm 1 tuần.
Đúng một tuần sau, không thấy phía Phòng GD-ĐT quận 3 có động tĩnh gì, chị Nghệ tiếp tục làm đơn khiếu nại và trực tiếp mang đến Sở GD-ĐT TP HCM. Điều vô cùng ngạc nhiên là ông Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT lại cho rằng hành vi vi phạm của cô Phùng Thị Kim Thư lại “không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD-ĐT, "phải có lệnh từ UBND thành phố thì Thanh Tra mới giải quyết" và hướng dẫn chị Nghệ viết lại đơn khiếu nại để… khiếu nại lại với ông Huỳnh Văn Sang(?!).
Trước thái độ hành xử bất thường của ông Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh, chị Nghệ đã gởi hồ sơ khiếu nại đến đích danh ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Trịnh Văn Thịnh- Chủ tịch UBND quận 3, ông Lê Hoàng Quân- Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh.
.
Cương quyết đến cùng
Nhìn bé Minh Châu đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, ánh mắt thất thần, ngồi đâu chỉ ngồi im lặng một chổ, nhìn quyển sổ theo dõi điều trị ngoại trú của Bệnh viện Tâm Thần thành phố Hồ Chí Minh và hàng loạt toa thuốc “điều trị lâu dài” với lời hẹn tái khám hết lần này đến lần khác của Bác sĩ, khiến cho ai có là đá cũng không khỏi xót xa.
Không hiểu tại sao những người được gọi là “thầy”, là “cô”, lại là những người gây ra thảm trạng đau lòng trên vẫn không một mãy may xúc động, cá nhân cô Phùng Thị Kim Thư không một lần thăm hỏi, xin lỗi nạn nhân; còn cấp trên của cô Thư lại có cách hành xử khỏa lấp, bao che cho sai phạm của cấp dưới. Hình như với họ, lương tâm đã ngủ yên, “cái ghế” quan trọng hơn tính mạng, sức khỏe và tương lại của một bé gái vô tội mà chính họ đã gây ra thảm trạng này.
Chị Nghệ cho biết, hiện nay con gái chị vẫn đang trong tình trạng “theo dõi và điều trị lâu dài” nên chị cương quyết khiếu nại đến cùng. Lần này nếu các cấp có thẩm quyền không giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật thì chị sẽ khiếu nại đến Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Đồng thời, chị sẽ yêu cầu Luật sư trợ giúp pháp lý để khởi kiện ra Tòa.
.
Tạ Phong Tần
____________________
Phụ chú:
Nếu các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí nào cần hồ sơ và chứng cứ vụ khiếu nại này, có thể liên hệ trực tiếp để được cung cấp:
Tạ Phong Tần
Điện thoại: 0987 228 728, (84 8) 9895945;
Email: taphongtan@gmail.com
Nơi làm việc: VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHÁP QUYỀN
số 30, đường số 3, căn cứ 26B, phường 7, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh
phẫn nộ, kinh tởm cả một hệ thống giáo dục, phản giáo dục, vô đạo đức. Trẻ em là nạn nhân trực tiếp của hệ thống giáo dục phi nhân này.
Trả lờiXóa