Đe dọa cải cách




Trước sự quan tâm tăng lên về tình hình Việt Nam trong một giai đoạn nhiều chuyển biến quan trọng, BBC xin trích giới thiệu bài mới nhất của Shawn W Crispin, nhà quan sát Đông Nam Á, trên báo điện tử Asia Times.

Khi Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng trở về nhà từ chuyến đi cầu cạnh tới Hoa Kỳ, ông phải đối diện với tình trạng kinh tế xuống dốc, bất ổn xã hội và các chống đối trong hậu trường đảng Cộng sản đối với phong cách lãnh đạo cũng như các chính sách kinh tế của ông.

Việc kinh tế VN suy sụp bất ngờ và trầm trọng đang gây ra các rạn nứt chưa từng thấy nhưng khá rõ ràng trong nội bộ đảng cầm quyền.

Sự bất lực của ông Dũng trong kiềm chế lạm phát và trấn an giới kinh doanh đã mở rộng đường cho các thành phần bảo thủ trong đảng có cớ chỉ trích vị thủ tướng theo cải cách, vốn đã làm nhiều nhân vật kỳ cựu và lãnh đạo các tỉnh khó chịu vì cách quản lý mang tính cá nhân và không theo đồng thuận của ông.

Các phân tích gia nay đang tìm hiểu xem các chia rẽ trong đảng CS liệu có đủ mạnh để đảo ngược các chương trình tự do hóa kinh tế tài chính đầy tham vọng của ông Dũng, trong có chính sách mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay không.

Các bên cùng có lợi

Rõ ràng, toàn bộ các ủy viên trung ương cao cấp trong đảng CS đều thu lợi ích to lớn từ quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng ở trong nước. Trước mắt có lẽ không có nhân vật bảo thủ nào có thể thách thức trực diện vị trí của ông Dũng.

Tuy nhiên nhiều người tin rằng tình trạng căng thẳng bên trong đảng CS đã lên tới mức độ cao nhất trong hơn một thập niên nay và sẽ bùng lên tại hội nghị trung ương vào tháng Bảy tới.

Cũng đang có đồn đoán rằng một đại hội đảng bất thường giữa kỳ sẽ được triệu tập, lần đầu tiên kể từ năm 1994, khi có chia rẽ sâu sắc bên trong đảng về đường hướng phát triển kinh tế của VN.

Một đại hội đảng như vậy sẽ là diễn đàn cho các đảng viên kỳ cựu bàn luận về nhiệm kỳ của ông Dũng và là cơ hội cho phe thủ cựu giành lại ảnh hưởng đối với các chính sách và cải cách kinh tế.

Là thủ tướng trẻ nhất ở VN từ khi đảng CS lên cầm quyền, ông Nguyễn Tấn Dũng, 59 tuổi, đã khẳng định xu hướng tiến bộ của mình từ khi nhậm chức năm 2006. Bằng chứng là các chính sách mở cửa về thương mại và đầu tư mà ông đưa ra, đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.

Khi bắt đầu có cải cách năm 1992 nhằm chuyển giao một phần trách nhiệm từ tay Bộ Chính trị tới các bộ trưởng, Văn phòng Thủ tướng đã mở rộng cả về kích cỡ và tầm ảnh hưởng.

Vị trí lung lay?

Với độ tuổi tương đối trẻ và xuất thân miền Nam, nhiều người trông đợi ông Dũng sẽ làm thủ tướng hai nhiệm kỳ. Việc ông được bổ nhiệm được nhìn nhận như việc đảng cộng sản chấp thuận cải cách kinh tế tài chính nhanh chóng và rộng khắp, điều mà sau đó đã được thực hiện.

Nay, khi có quan ngại về khủng hoảng tài chính và nguy cơ bất ổn xã hội, bắt đầu có nghi ngờ về việc ông Dũng sẽ tái đắc cử chức thủ tướng trong đại hội đảng năm 2011.

Thêm nữa, phe cải cách trong đảng vừa bị tổn thất nặng nề sau cái chết của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mà ngay cả sau khi về hưu cũng vẫn thuyết phục được nhiều quan chức trong đảng, kể cả ông Dũng trong chừng mực nào đó.

Với sự ra đi của ông Kiệt, phe cải cách đã mất một người đỡ đầu quan trọng đằng sau hậu trường.

Cùng lúc đó, trong hai năm làm thủ tướng ông Dũng đã tạo cho mình một số đối thủ hùng mạnh. Nhiều người trong đó không ưa cách ông rời xa phong cách hoạch định chính sách dựa vào đồng thuận của đảng cũng như sự nổi trội của ông trong nền văn hóa chính trị vốn đề cao tính tập thể vô danh.

Ông còn bị chỉ trích là đã tìm cách làm lu mờ ảnh hưởng của tổng bí thư đảng CS Nông Đức Mạnh, lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên.

Bạn và thù

Chống đối ông Dũng tích cực nhất có lẽ là ba phó thủ tướng theo xu hướng bảo thủ Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm và Nguyễn Sinh Hùng, đều thăng tiến nhân dịp Đại hội đảng 1996.

Năm 2007 trong một kỳ cải tổ nội các, ông Dũng đã thử nhưng không thành công trong việc gạt ông Hùng ra ngoài và tước chức bộ trưởng ngoại giao của ông Khiêm.

Ông buộc phải giảm ảnh hưởng của phe thủ cựu bằng việc tăng con số phó thủ tướng từ ba lên năm, bổ nhiệm hai nhân vật kỹ trị là ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Hoàng Trung Hải.

Cách lãnh đạo mang tính cá nhân của ông Dũng cũng thu hẹp tầm ảnh hưởng của một số nhân vật bảo thủ trong đảng, như Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Văn hóa Truyền thông Lê Doãn Hợp và Chánh thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền.

Một số nhà phân tích đang dò đoán xem ông Lê Hồng Anh, một người miền Nam nay giữ vị trí số hai trong Bộ Chính trị, có nhân thời kỳ khó khăn của ông Dũng mà nhắm tới chức vụ thủ tướng tại đại hội đảng năm 2011 hay không.

Hiện còn chưa rõ ông Anh có bao nhiêu hậu thuẫn trong đảng, nhưng nếu tình trạng lạm phát phi mã chuyển sang thành khủng hoảng tài chính thực sự thì ông có thể sẽ trở thành người có khả năng nắm giữ vị trí thủ tướng.

Lợi ích kinh tế

Ban Chấp hành Trung ương đảng CS bao gồm ba thế hệ và nhóm các thành viên trẻ đa phần tiến bộ chiếm khoảng 45%. Họ đã dẫn đường trong công cuộc thực hiện các chương trình cải cách của ông Dũng từ 2006 tới nay.

Tuy nhiên nếu không kể tới tuổi tác và tính cách, thì bất đồng trong nội bộ đảng còn xoay quanh quyền lợi kinh tế.

Tại một kỳ hội nghị trung ương, theo chủ kiến của ông Dũng, đảng, quân đội, công an và các tổ chức xã hội được yêu cầu rời bỏ các doanh nghiệp sinh lợi của họ.

Vào đầu năm 2007, quân đội VN có trong tay 140 công ty khác nhau và thu về hai tỷ đôla tiền lời trong năm 2006.

Cam kết cải cách sẽ được thử lửa trong những tháng tới đây và sẽ được chốt lại tại các cuộc họp của đảng.


Ông Dũng được giới kinh doanh và tài chính trong nước ủng hộ, nhưng trong khi tình trạng suy giảm kinh tế tiếp tục, ông sẽ phải chịu nhiều áp lực từ phe bảo thủ trong nhiều lĩnh vực thuộc về chính sách.

Các chuyên gia chỉ ra rằng hồi đầu những năm 1990, đảng CS đã từng mở cửa cho đầu tư nước ngoài xong rồi lại đóng cửa ngay lập tức vì có quan ngại từ các nhân vật kỳ cựu bài ngoại trong đảng.

Trước kỳ hội nghị trung ương sắp tới, chắc chắn ông Dũng sẽ tuyên truyền mạnh về các hợp đồng thương mại và đầu tư mà ông đạt được trong chuyến đi Hoa Kỳ tuần rồi, cũng như các cuộc gặp cấp cao với tổng thống George W Bush và cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ Alan Greenspan.

Thế nhưng trong bối cảnh các vấn đề kinh tế và tài chính hiện nay, không rõ các thành tựu đó có gây ấn tượng như hồi năm ngoái khi VN gia nhập WTO hay không.

Có chuyên gia nhận định rằng ngay cả khi trong đảng đang căng thẳng, Ban Chấp hành Trung ương có lẽ vẫn sẽ đưa ra quyết định dung hòa cho cả hai phe cải cách và bảo thủ.

Nhưng điều sẽ bị đe dọa chính là phong cách lãnh đạo cá nhân mạnh bạo của ông Dũng, vốn đã giúp ông thực hiện các cải tổ kinh tế - đầu tư khó khăn. Nay nó đang gặp nguy cơ bị các nhân vật thủ cựu xóa sổ và thay bằng kiểm soát tập thể đối với cải cách kinh tế và lãnh đạo toàn dân.

Tương lai kinh tế của VN đang phụ thuộc vào cán cân chính trị.

1 nhận xét:

  1. Bài này nguyên gốc đăng trên Asia Time (http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/JF28Ae02.html) ngày 28/06, nguyên văn nói rằng chuyến đi Mỹ của thủ tướng Dũng vừa rồi là ăn xin (hat-in-hand trip). 2 ngày sau một bản tin phát trên VTV 7h tối ngày 30/6 trích phát biểu của ông Mạnh tại Ban Đối ngoại Trung ương về đường lối ngoại giao của đảng, ông nhấn mạnh rằng đường lối này phải là độc lập tự chủ chứ không phải xin xỏ. Bài trên Asia Time đăng ngày 28 thì ngày 30 có phát biểu của ông Mạnh như vậy thì thật là nguy hiểm.
    Tôi không ủng hộ những chính sách kinh tế làm lợi phần lớn cho nước ngoài dẫn đến tình trạng yếu kém ngày nay của ông Dũng, nhưng tôi cũng không ủng hộ những phản ứng thái quá của những người chỉ trích ông ấy. Hơn lúc nào hết phải đoàn kết lại để vượt qua khó khăn, lấy dân làm gốc, tức bảo vệ lợi ích dân tộc. Chứ nếu đấu đá nhau thế này thì việc dẫn đến sụp đổ tan rã nhanh chóng. Đảng hơn lúc nào hết cần tỉnh táo, rất tỉnh táo để đoàn kết toàn dân lại mới vượt qua được khủng hoảng.
    BBC đã dịch bài này không khác quan, ngay cả cái cách trình bày bản tin này cũng cho thấy BBC đang cố gắng nâng cao hình ảnh của ông Dũng, hạ thấp hình ảnh của ông Mạnh, gây thêm chia rẽ rất nguy hiểm. Đọc xong bài này của BBC dịch thì thấy rằng trách nhiệm của những vấn đề kinh tế yếu kém hôm nay là do ông Dũng bị cánh ông Mạnh chơi xấu. Nhưng nếu đọc nguyên bản bài này bằng Tiếng Anh thì không phải như vậy.

    Trả lờiXóa