TÔI ĐI ĐÒI GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI




Trụ sở Tòa án quận 9, TP HCM

.

July 14, 2008

.

Hành trình khiếu nại

Như các entry trước đã tường thuật, ông Lê Trần Luật - Luật sư Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền ủy quyền cho tôi thay mặt Văn phòng Luật sư Pháp Quyền làm việc vụ khởi kiện hành chính ông Nguyễn Minh Luân - Trưởng Nhà tạm giữ Công an quận 9.

Ngày 04/7/2008 Văn phòng Luật sư Pháp Quyền nhận được Thông báo số 366/2008/TB do Thẩm phán Vũ Tất Trình ký ngày 02/7/2008 nội dung: “Tòa án nhân dân Quận 9 - TPHCM chuyển toàn bộ hồ sơ đơn của Văn phòng Luật sư Pháp Quyền đến Viện kiểm sát nhân dân Quận 9 - TPHCM để giải quyết theo thẩm quyền”.

Văn phòng Luật sư Pháp Quyền nhận thấy việc Thẩm phán Vũ Tất Trình chuyển toàn bộ hồ sơ đơn của Văn phòng Luật sư Pháp Quyền đến Viện kiểm sát nhân dân Quận 9 - TPHCM để giải quyết là ông Vũ Tất Trình đã có sự nhầm lẫn về xác định đối tượng bị kiện.

Trước hành vi không thụ lý đơn kiện trái luật của ông Trình, ngày 07/7/2008, ông Lê Trần Luật tiếp tục làm đơn khiếu nại hành vi hành chính “không thụ lý đơn kiện trái luật” đến ông Phạm Doãn Hiếu- Chánh án TAQ9.

Trong đơn khiếu nại ngày 7/7/2008, Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền nhấn mạnh:

Chúng tôi khởi kiện ông Nguyễn Minh Luân với tư cách Trưởng Nhà tạm giữ Công an quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh, không phải tư cách Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an quận 9. Mặt khác, tại thời điểm ông Luân có hành vi cản trở vụ án đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Viện Kiểm sát đã có quyết định định truy tố nên ông Luân chỉ có thể lấy tư cách Trưởng Nhà tạm giữ để cản trở Luật sư tác nghiệp, chớ không thể lấy tư cách Thủ trưởng Cơ quan Điều tra để cản trở, vì Viện Kiểm sát quận 9 đã cấp giấy chứng nhận đồng ý cho Luật sư tiếp xúc với bị can rồi. Vì vậy, chúng tôi khẳng định hành vi cản trở Luật sư tác nghiệp của ông Nguyễn Minh Luân với tư cách Trưởng Nhà tạm giữ là hành vi hành hành chính. Do đó, Thẩm phán Vũ Tất Trình vận dụng Điều 332 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự để không thụ lý đơn kiện là không đúng luật định;

- Đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án quận 9 giải quyết 3 vấn đề (1- Buộc người bị kiện chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật; 2- Buộc người bị kiện bồi thường thiệt hại về vật chất; 3- Buộc người bị kiện xin lỗi, bồi thường thiệt hại về tinh thần) thì vấn đề thứ 2, thứ 3 thuộc tranh chấp dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Nay Thẩm phán Vũ Tất Trình vận dụng Điều 332 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự để chuyển toàn bộ hồ sơ khởi kiện cho Viện Kiểm sát quận 9 là trái quy định của Bộ Luật Dân Sự, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, Chánh án “phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;

b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án”.

Trong trường hợp này, TAQ9 đã không trả đơn khởi kiện nên Chánh án không thể ra quyết định “Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện” mà chỉ có thể ra quyết định theo điểm b là “Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án”.

Tuy nhiên, ngày 10/7/2008, tôi đến TAQ9 để nhận quyết định giải quyết khiếu nại thì thấy các phòng làm việc đều đóng cửa, còn duy nhất một phòng có đặt máy photocopy là mở cửa và có người. Một cô cán bộ ở phòng này cho hay là hôm nay cán bộ Tòa không làm việc do bận đi tập huấn hết, nhưng ngoài bảng thông báo thì trống trơn không có dòng thông báo nào cho người dân biết. Cô này bảo tôi ngày mai có làm việc.

Cuộc “truy lùng” Chánh án Phạm Doãn Hiếu

9 giờ ngày 11/7/2008, tôi đến TAQ9, đi thẳng đến phòng số 9 là phòng làm việc của Chánh án Phạm Doãn Hiếu ở tầng 2, gõ cửa nhưng bên trong không có người. Quay sang phòng số 7 cạnh cầu thang, tôi thấy một người đàn ông khoảng 50 tuổi, đầu hói, nước da trắng tai tái ngồi một mình trong phòng đọc báo. Tôi bước vào hỏi:

- Anh làm ơn cho em hỏi anh Hiếu - Chánh án hôm nay có làm việc hay không?”.

Ông đầu hói chậm chạp quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cất giọng sin sít:

- Chị là ai? Tìm Chánh án có việc gì? Có hẹn không?.

- Em ở Văn phòng Luật sư Pháp Quyền. Ngày 7/7/2008 có gởi đơn khiếu đơn khiếu nại đến Chánh án. Không có hẹn nhưng đúng ngày phải giải quyết khiếu nại thì em đến. Tôi trả lời.

- Chánh án đi vắng, khiếu nại Chánh án thì không ai có thẩm quyền giải quyết ngoài Chánh án. Ông đầu hói nói.

- Anh có thể cho em biết hôm nào thì Chánh án làm việc để em đến gặp? Tôi hỏi tiếp.

- Lịch công tác của Chánh án tôi không được biết. Ông đầu hói trả lời.

- Em nghĩ là Chánh án đi đâu thì cán bộ trong cơ quan này phải biết chứ ạ?. Tôi lại tiếp tục hỏi.

- Chánh án đi đâu chỉ báo cho người có trách nhiệm, tôi làm sao mà biết! Ông đầu hói bắt đầu có vẻ cáu.

Tôi vẫn “không buông tha”:

- Vậy anh có thể cho chỉ cho em biết ai là người có trách nhiệm để em tìm người đó em hỏi ngày nào Chánh án có làm việc?

Ông đầu hói không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà nói lãng sang chuyện khác:

- Chánh án báo cho ai thì người đó biết, tôi không biết Chánh án báo cho ai.

Tôi lại tiếp tục hỏi:

- Anh có thể cho em biết anh tên gì, làm nhiệm vụ gì ở Tòa án này để em về báo cáo lãnh đạo em, rằng hôm nay không gặp Chánh án nhưng gặp anh và anh cho biết như thế, chớ không phải em hỏi một người ở ngoài đường?

Ông đầu hói nhìn tôi với ánh mắt mà tôi có cảm giác nếu xông vào bóp cổ cái con mẹ trước mắt ông cho nó câm mồm mà không ở tù thì ông đã xông vào bóp cổ rồi. Ông ta dấm dẳng:

- Chị tìm Chánh án thì cứ chờ gặp Chánh án, trả lời lãnh đạo chị thế nào là việc của chị. Chị cứ biết là gặp người trong phòng này trả lời vậy là được rồi. Muốn hỏi thêm thì đến Văn phòng mà hỏi.

Thì ra ông đầu hói này thuộc loại vô công rỗi nghề, không có tên và cũng không có chức vụ, không có trách nhiệm gì trong cái Tòa án quận 9 này. Từ đầu đến cuối, tôi đứng sờ sờ một đống trước mặt ông mà ông không hề biết mở miệng mời tôi ngồi lấy một tiếng, có lẽ ông sợ mời ngồi thì tôi sẽ “mọc rễ” ở cái ghế trong phòng của ông luôn chăng? Hay vốn dĩ từ xưa đến nay ông không có thói quen mời khách ngồi khi có khách đến? Hay ông cho rằng ông chỉ mời quan chức cấp trên ngồi ghế, còn bọn dân đen như tôi thì không xứng để được ông mời ngồi?

Thấy mình truy vấn ông đầu hói như thế là đủ, cố nín cười, tôi cảm ơn ông ta rồi đi một vòng quanh tầng 2.

Thấy phòng số 11 đang có người làm việc, tôi bèn bước vào.

- Anh vui lòng cho em hỏi anh Hiếu - Chánh án hôm nay có làm việc không?. Tôi hỏi một ông lớn tuổi, đầu bạc trắng.

Ông này ngước nhìn tôi, nói:

- Đúng ra hôm nay có làm việc, nhưng từ sáng tới giờ không thấy ảnh tới cơ quan, không biết có đi họp bên Tỉnh ủy không. Chị xuống phòng dưới lầu hỏi thử xem.

Tôi bèn xuống phòng nhận hồ sơ ở tầng trệt. Vừa bước vào thì cô Vân - cán bộ Tòa nói:

- Chị lên phòng số 14 gặp anh Phước để giải quyết.

Tôi trở lên phòng số 14, một căn phòng bé tẹo bằng nắm tay, diện tích khoảng hơn 4m2, trong phòng có 2 cái bàn nhỏ để chồng hồ sơ và 1 bàn làm việc, 2 cái ghế. Một người đàn ông trẻ đang ngồi tại bàn làm việc.

- Xin lỗi! Anh có phải là anh Phước?. Tôi hỏi.

- Vâng, tôi là Phước. Có việc gì không chị?. Người đàn ông trẻ trả lời.

- Tôi ở Văn phòng Luật sư Pháp quyền, cô Vân bảo tôi đến gặp anh để nhận giải quyết khiếu nại.

- À, phải rồi. Mời chị vào, chị ngồi ghế đi.

Chà, anh chàng này có vẻ lịch sự, chẳng phải như ông đầu hói bên phòng số 7 kia.

- Tôi đến để nhận quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án.

- Tôi đã trình quyết định giải quyết khiếu nại cho Chánh án rồi. Tôi cũng gởi giấy mời đến Văn phòng Luật sư Pháp Quyền rồi, mời chiều ngày 15/7/2008 đến đây giải quyết.

Tôi phản đối:

- Tôi chưa nhận được giấy mời. Mà tại sao lại là giấy mời? Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thì Chánh án phải có quyết định khiếu nại. Hôm qua là đúng 3 ngày, tôi đến đây, cơ quan các anh không ai làm việc cả. Hôm nay tôi lại đến lần nữa. Sao không có quyết định giải quyết khiếu nại mà mời làm gì?

- Chánh án phải… (bị, thì, mà, là, vì, bởi… ông Phước liệt kê một lô một lốc dài xọc). Khiếu nại đến Chánh án thì chỉ có Chánh án mới có thẩm quyền giải quyết, không ai giải quyết thay được nên phải gởi giấy mời đến ngày 15 tuần tới. (Câu này sao giống y câu trả lời của ông đầu hói lúc nãy mới ghê).

Tôi vẫn không đồng ý:

- Tôi không cần biết Chánh án của anh bận cái gì, đó là chuyện riêng của các anh. Cứ đúng ngày giờ như luật quy định thì tôi tới, các anh phải có quyết định giải quyết định giải quyết khiếu nại cho tôi chớ.

- Sao chị không gọi điện thoại hỏi trước, có làm việc thì hãy tới?. Ông Phước nói.

- Tại sao tôi phải gọi điện thoại? Đúng thời gian quy định thì tôi tới, đó là cái quyền của tôi được pháp luật công nhận, còn các anh có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Tôi đã gởi giấy mời rồi, chị về bên đó chờ nhận giấy mời đúng ngày đến giải quyết.

Lúc này, ông Phước có vẻ đã xui xị.

- Tôi chưa nhận được giấy mời nào cả. Trong đơn của chúng tôi có địa chỉ, có số điện thoại rõ ràng. Sao các anh không gởi trực tiếp, không gọi điện thông báo? Biên lai gởi Bưu điện đâu anh cho tôi xem?

Ông Phước bèn gọi cô cán bộ khác đem biên lai photocopy thêm 1 bản rồi mang lên phòng ông.

- Đây, đúng ngày giờ trong ghi trong giấy đó chị đến để giải quyết.

Tôi bác bỏ ngay:

- Không được, hôm nay các anh phải có quyết định giải quyết khiếu nại. Ngày 18 đã xét xử rồi. Ngày 15 các anh mời. Trong khi đó Luật sư chưa gặp bị can, chưa đọc hồ sơ, làm sao bào chữa.

- Ngày 22 mới xử lận. Ông Phước đính chính.

(À, cái này thì tôi nhớ nhầm, ngày 18/7/2008 là ngày xét xử vụ ký giả Trương Minh Đức ở Kiên Giang).

- 22 cũng vậy thôi, anh là người trong ngành anh biết rõ, theo anh thì thời gian như vậy có kịp để bảo vệ không?

Ông Phước bào chữa:

- Đó là vụ hình sự, vụ chị khiếu nại là hành chính, 2 vụ khác nhau!

Tôi phản bác lại:

- Đúng là khác nhau, nhưng từ vụ hình sự kia mới có vụ khiếu nại hành chính này, nó liên quan với nhau, không có vụ hình sự thì không có vụ hành chính.

Ông Phước làm thinh.

- Anh cho tôi 1 bản photo biên lai này, đóng dấu treo của Tòa án vào đây cho tôi, để báo cáo với lãnh đạo tôi rằng biên lai photo này tôi nhận từ Tòa án, chớ không phải tôi nhặt ngoài đường.

- Photo như vậy là được rồi, đóng dấu chi nữa.

- Không được, tờ photo này không có giá trị. Anh đưa cái máy photo đây, tôi có thể ngụy tạo tức thì hàng trăm tờ trước mắt anh. Muốn sửa đổi, lắp ghép cái gì vào đó mà chẳng được.

Ông Phước thấy tôi cương quyết quá, bèn nói:

- Thôi để tôi dẫn chị qua phòng Phó Chánh án, để xin ý kiến lãnh đạo giải quyết.

Bất ngờ hơn, ông Phước dẫn tôi quay lại phòng số 7 gặp ông đầu hói và giới thiệu:

- Đây là anh Phó Chánh án.

Tôi độp luôn:

- A, thì ra anh là Phó Chánh án, sao hồi nãy anh không giải thích cho em biết?

Ông đầu hói sầm mặt xuống làm thinh.

Ông Phước bèn kéo ghế mời tôi ngồi rồi trình bày lại sự việc, ông đầu hói nói:

- Mời ngày 15 mà hôm nay chị đến là chị đến sớm. Chúng tôi chưa giải quyết được.

- Không phải đến sớm mà đến trễ 1 ngày, vì hôm qua Tòa án không làm việc. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại thì Chánh án phải có quyết định khiếu nại. Điều đó luật có quy định, chắc anh hiểu rõ hơn em, em không cần phải giải thích cho anh.

- Thì bây giờ chị biết ngày mời rồi, có quyết định giải quyết rồi, đến ngày đó sẽ nhận quyết định.

- Thế sao không giao quyết định luôn bây giờ, tại sao đợi đến ngày 15 mới giao quyết định?

- Cái đó tôi không biết, đó là việc của Chánh án.

Quay sang ông Phước, ông đầu hói bảo:

- Nếu vậy thì làm biên bản giao nhận cho bả.

- Vậy cũng được. Em cảm ơn anh Phó Chánh án nhé! Mấy chữ “Phó Chánh án” tôi cố ý nói lớn hơn bình thường và kéo dài giọng ra. Buồn cười ghê!

Trở lại phòng ông Phước, tôi hỏi:

- Anh Phó Chánh án hồi nãy tên gì vậy anh Phước.

- Ảnh tên Trình.

- Ông Vũ Tất Trình phải không?

- Đúng rồi.

- Ổng là người người bị khiếu nại. Hèn gì, ban đầu nói chuyện với tôi ổng không nhận mình là ông Trình.

Viết biên bản giao nhận xong, ông Phước đem photo ra thêm 1 bản và lại đòi giao tôi… bản photo.

- Thế thì tôi không nhận, bản photo lấy làm gì.

- Thôi thôi, để tôi đưa chị bản chính luôn.

- Không có con dấu thì ít ra cũng phải đưa bản chính chớ.

Tôi lại quay trở xuống phòng nhận hồ sơ để nộp tiếp đơn khiếu nại Quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ “gây rối trật tự công cộng” của Tòa án quận 9.

Những “câu hỏi lớn không lời đáp”?

Sự việc xảy ra nổi lên hai vấn đề làm tôi băn khoăn suy nghĩ mãi.

Thứ nhất, tại Tòa án quận 9 này, ngoài ông Chánh án Hiếu ra thì ông Trình là Phó Chánh án. Tôi được biết theo quy định bất kỳ cơ quan Nhà nước nào cũng vậy, hễ Trưởng đi vắng thì Phó được thay mặt Trưởng giải quyết vụ việc, Phó được Trưởng thông báo cho biết mình đi vắng cơ quan thời gian bao lâu, bàn giao các công việc cụ thể gì gì đó để làm trong thời gian Trưởng vắng mặt. Về cơ cấu tổ chức cán bộ, chức năng nhiệm vụ từng người trong đơn vị là cố định và công khai cho mọi người trong đơn vị đều biết. Ngạc nhiên làm sao, với ông Trình thì hỏi những điểm nhỏ nhặt thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ cán bộ Tòa án ông, ông cũng trả lời không biết. Thậm chí ông tên gì, ông làm nhiệm vụ gì ở Tòa án này thì ông cứ đường đường chính chính mà xưng ra, có ai làm gì ông đâu mà ông cũng lãng sang chuyện khác. Ông Trình hỏi tôi tên gì, ở đâu, đến có việc gì thì tôi cứ sự thật mà trả lời. Đến khi tôi hỏi lại ông thì ông giấu giấu giếm giếm, cứ làm như cái tên Vũ Tất Trình hay chức vụ Phó Chánh án Tòa án quận 9 là xấu xa ghê lắm nên ông không dám nói ra?

Tôi nghĩ có lẽ cấp trên cần phải xem xét lại năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của ông Vũ Tất Trình có phù hợp với chức vụ hiện tại hay không?

Thứ hai, Giấy mời do ông Phạm Doãn Hiếu ký ghi rõ: “Kính mời ông Lê Trần Luật, đại diện Văn phòng Luật sư Pháp Quyền. Đúng 14 giờ ngày 15/7/2008 có mặt tại phòng số 14 Tòa án nhân dân quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết khiếu nại việc không thụ lý vụ án hành chính”.

Sao lạ vậy? Phòng số 14 là phòng làm việc của ông Lê Minh Phước, còn phòng làm việc của ông Chánh án Phạm Doãn Hiếu là phòng số 9 kia mà? Ông Vũ Tất Trình và ông Lê Minh Phước nhiều lần khẳng định “Khiếu nại đến Chánh án thì chỉ có Chánh án mới có thẩm quyền giải quyết”, “không ai giải quyết thay được”, nay lại ghi rành rành là mời đến phòng số 14 mà không phải là phòng số 9 là phòng Chánh án. Nếu Chánh án vào phòng ông Phước để làm việc (phòng bé thế, tất lúc đó ông Phước phải “khăn gói quả mướp” ra ngoài rồi) thì cái phòng số 9 đầy đủ tiện nghi to đùng ngay cạnh cầu thang kia ông Chánh án chỉ dùng để ngủ chăng?

Tôi có cảm giác các quý ông quan chức Tòa án quận 9 này cố tình nhập nhằng kéo dài thời gian nhằm cản trở Luật sư không đủ thời gian chuẩn bị luận cứ bảo vệ thân chủ trước khi xét xử, cũng như không giải quyết khiếu nại. Điều này thật vô lý, trái pháp luật vì họ đã lạm dụng quyền lực tước quyền được bảo vệ của các bị cáo. Hình như họ đang chà đạp lên pháp luật, đang bôi tro trát trấu vào cái bộ mặt “Nhà nước pháp quyền XHCN”?

Mà thôi, ông Chánh án Phạm Doãn Hiếu đã “mời” ông Lê Trần Luật thì cứ để cho ông Lê Trần Luật “giải quyết” ông Phạm Doãn Hiếu. Khi nào có diễn biến mới tôi sẽ tường thuật tiếp.

.

Tạ Phong Tần





Photobucket

Giấy mời nhận được sau khi tôi từ TAQ9 trở về Văn phòng Luật sư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét