ĐÒN THÙ?





ĐÒN THÙ? magnify

July 24, 2008

.

Nguyên tắc lượng hình trong xét xử hình sự

Lượng hình là thuật ngữ pháp lý chỉ việc Hội đồng xét xử (HĐXX) là quyết định một mức hình phạt cụ thể cho bị cáo khi tuyên án.

Theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), Viện Kiểm sát (VKS) quyết định truy tố bị can bằng một bản Cáo trạng, trong đó đề nghị Tòa án (TA) xét xử bị cáo theo điểm, khoản, Điều nào được quy định trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) chớ không được quyền đề nghị một mức hình phạt cụ thể là gì.

Căn cứ Cáo trạng của Viện kiểm sát, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố (Điều 196 BLTTHS). Tức là, điều khoản, tội danh mà VKS truy tố bị can có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù thì HĐXX chỉ có quyền quyết định mức hình phạt từ 2 năm trở xuống hoặc tuyên bị cáo vô tội, không được tuyên mức án quá 2 năm.

Nếu bị cáo phạm tội mà không có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng thì HĐXX phải lấy mức trung bình của khung hình phạt mà VKS truy tố để quyết định mức án cụ thể cho bị cáo.

BLHS quy định có 18 tình tiết giảm nhẹ chính (Điều 46), 14 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 48). Nếu bị cáo phạm tội mà có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì căn cứ vào số tình tiết mà HĐXX quyết định mức án thấp xuống, cao lên, cấn trừ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ lẫn nhau để có mức hình phạt chính xác nhất. Nếu bị cáo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì HĐXX có thể quyết định một mức án dưới khung hình phạt VKS truy tố (Điều 47). Trường hợp bị cáo có rất nhiều tình tiết tăng nặng khi phạm tội (đến mức tối đa là 14 tình tiết) thì cũng chỉ có quyền quyết định mức án cao nhất của khung hình phạt VKS truy tố mà thôi, không được chuyển sang một khung hình phạt khác cao hơn.

Sở dĩ có nguyên tắc trung bình cộng khi lượng hình vì nếu HĐXX cứ tùy nghi quyết định mức hình phạt theo ý muốn chủ quan của mình, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, nhìn mặt bị cáo kia thấy ghét quá mà cho “hắn” mức án “mút khung”, nếu “hắn” mà có thêm tình tiết tăng nặng nữa thì HĐXX biết cộng vào chổ nào để tăng án?

Ví dụ: VKS đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn A tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS (có khung hình phạt là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”), nếu A không có tình tiết tăng tặng, không có tình tiết giảm nhẹ, nếu quyết định hình phạt tù cho A thì HĐXX phải tuyên mức án là (6 tháng + 36 tháng)/2 = 21 tháng tù. Nếu A có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, HĐXX có quyền tuyên A mức án dưới 6 tháng tù hoặc phạt cải tạo không giam giữ. Trường hợp A có 14 tình tiết tăng nặng thì HĐXX cũng chỉ được tuyên mức án cao nhất là 3 năm (36 tháng) tù.

.

Đòn thù?

Khoản 1 Điều 245 BLHS về Tội gây rối trật tự công cộng quy định như sau:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Như vậy, mức hình phạt cao nhất của khoản 1 Điều 245 BLHS là 2 năm tù.

Ngày 22/7/2008, TAND quận 9 đã xét xử vụ án Gây rối trật tự công cộng, kết quả tuyên án như sau:

1. Đặng Tiến Thông: 2 năm tù giam.

2. Nguyễn Văn Năng: 2 năm tù giam.

3. Nguyễn Anh Tuấn: 18 tháng tù giam.

4. Lưu Quốc Luân: 18 tháng tù giam.

5. Kiều Văn Hoà: 18 tháng tù giam.

6. Nguyễn Nam Biền: 12 tháng tù giam.

7. Dương Thanh Trúc: 12 tháng tù giam.

8. Nguyễn Thị Thiêu: 15 tháng tù treo.

9. Đỗ Thị Mai: 12 tháng tù treo.

Cáo trạng số 90/KSĐT ngày 16/6/2008 của Viện Kiểm sát quận 9 cho thấy 9 bị cáo không hề có tình tiết tăng nặng nào.

Căn cứ vào nguyên tắc lượng hình trong trong xét xử vụ án hình sự tôi vừa nêu ở trên. so với mức án Tòa quận 9 vừa tuyên cho thấy mức án đã tuyên quá nặng nề và không đúng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội (nếu có) của các bị cáo. Bản án không được sự đồng tình của đông đảo người dân quận 9 mà còn khiến cho người khác phải nghĩ rằng: Đây có phải là kiểu lạm dụng quyền lực Nhà nước để trả thù cá nhân của cơ quan công quyền quận 9 đối với các bị cáo vì họ đã dám khiếu nại, tố cáo những sai trái của chính quyền quận 9 hay không?

.

Tạ Phong Tần

________________

Trang 9 và trang 10 bản Cáo trạng số 90/KSĐT ngày 16/6/2008

Photobucket
.
Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét