LS Lê Trần Luật: tại VN, quyền lực đang khống chế pháp luật




Hiền Vy, thông tín viên RFA 2008-07-23

Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào sáng ngày thứ Sáu 18-7, Tòa án tỉnh Kiên Giang đã y án 5 năm tù giam, đối với ký giả Trương Minh Đức. Hiền Vy phỏng vấn luật sư Lê Trần Luật, người bào chữa cho ông Trương Minh Đức.

Nhà cầm quyền đã cáo buộc nhà báo Trương Minh Đức vi phạm Điều 258 Bộ Luật Hình Sự “lợi dụng dân chủ chống phá nhà nước Việt Nam”, trong khi luật sư bào chữa cho ông Đức và gia đình cho rằng những việc làm đó của ông Trương Minh Đức không vi phạm pháp luật Việt Nam.

Thất vọng với phiên tòa

Hiền Vy: Thưa luật sư Lê Trần Luật, có đông người tham dự phiên tòa không?

LS Lê Trần Luật: Mới vào phiên toà tôi thấy các anh công an, cảnh sát tư pháp không cho anh Đức uống nước và tôi thấy một lực lượng cảnh sát tư pháp và cơ quan an ninh khá là đông thì tôi sợ anh Đức chao lòng, nên tôi quyết định xin với hội đồng xét xử cho tôi hội ý với anh Đức một chút và đề nghị cho anh Đức được uống nước…

Hiền Vy: Thưa những người công an ở đó họ như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Đối với tôi những người công an đó không là cái gì hết, thật sự tôi cũng không cần quan sát thái độ của họ, tôi thấy họ tập trung vào nhiệm vụ của người bảo vệ phiên tòa.

Hiền Vy: Thưa phản ứng của nhà báo Trương Minh Đức thế nào khi ngồi nghe ông cãi cho ông Đức?

LS Lê Trần Luật: Tôi với anh Trương Minh Đức đã nói chuyện với nhau rất nhiều về cuộc tranh luận của tôi. Bản thân tôi cũng đã đưa bản biện minh trạng của mình cho anh Đức xem và chúng tôi gần như đã thống nhất tất cả những điểm trong bài nói chuyện của tôi và anh Đức im lặng nghe và anh Đức gần như đồng ý hết với tất cả các luận điểm mà tôi đưa ra bởi vì chúng tôi đã có một khoảng thời gian để trao đổi với nhau về những luận điểm này

Hiền Vy: Sau khi ông cãi như vậy mà cái án 5 năm tù của ông Trương Minh Đức vẫn không được thay đổi ?

LS Lê Trần Luật: Vâng

Hiền Vy: Sau một phiên tòa mà ông đã dùng hết sức mình để biện hộ cho bị can mà không thay đổi được gì hết, Thưa, cảm tưởng của ông như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Thật sự là tôi thất vọng về một nền tư pháp như thế, nhưng chuyện đó là chuyện tôi có thể đoán trước được, tôi cũng đã trao đổi với anh Đức về tình huống có thể xảy ra, và chúng tôi vui vẻ nhận chuyện đó, còn cái cảm xúc của tôi sau phiên tòa như thế thì chỉ còn lại hình ảnh của anh Đức trong lòng tôi thôi.

Hiền Vy: Thưa ông, hình ảnh của ông Đức như thế nào mà làm ông nhớ hoài?

LS Lê Trần Luật: Kết thúc phiên tòa thì tòa bảo là bản án của tòa sơ thẩm là đúng và không có một cơ sở nào để chấp nhận cho lời biện minh của luật sư hết.

Phản ứng của ký giả Trương Minh Đức

Hiền Vy: Phản ứng của ông Trương Minh Đức thế nào, lúc nghe tòa xử như vậy?

LS Lê Trần Luật: Ngay lúc đó anh Đức đã phát biểu như thế này:

“Đả đảo Cộng sản. Không công nhận phiên tòa hôm nay, bản án là vô lý, là phi nhân đạo. Đả đảo những người cộng sản tham nhũng”

Ảnh nói đến đây thì những người cảnh sát tư pháp ôm ảnh lại, lôi ảnh đi và bỏ ảnh vào cái xe của nhà giam rồi chở ảnh đi mất. Cảm xúc của tôi nhiều về cái hình ảnh của anh Đức bị kéo đi và cái khí phách của anh Đức trước phiên toà.

Một cái an ủi cho chính mình là chứng minh chúng tôi đã không cúi đầu mặc dù chúng tôi có thể xét ở góc độ về công việc thì xem như tôi là một người thất bại vì đã không đem lại một kết quả khả quan nào cho anh Đức nhưng điều đó cũng không làm chúng tôi bận lòng nhiều.

Có một chút an ủi rằng chúng tôi đã không đầu hàng và chúng tôi đã trình bày tất cả những gì mình muốn nói tại phiên tòa và chúng tôi đã ngẩng cao đầu, không bao giờ tỏ ra một sự sợ sệt nào hết.

Hiền Vy: Khi cảnh sát đem nhà báo Trương Minh Đức đi, thì phản ứng của gia đình ông Đức như thế nào ạ?

LS Lê Trần Luật: Vợ của anh Trương minh Đức đã la toáng lên, lúc đó lòng tôi còn rất bàng hoàng nhưng tôi sực tỉnh lại và nói với chị ấy rằng nếu chị la như vậy có thể người ta sẽ kết chị vào tôi gây rối trật tự công cộng và như thế chúng ta sẽ mất đi một người có thể hỗ trợ cho anh Đức trong khoảng đường còn lại.

Và vì chị quá cảm xúc nên tôi đã bảo với chị là hãy bình tĩnh vì chị còn ở bên ngoài thì mới giúp cho anh Đức được, chứ nếu chị la toáng lên, đập bàn đập ghế thì sẽ dẫn đến một hậu quả khó lường vì có thể nhà cầm quyền sẽ khởi tố luôn cả chị vì tôi gây rối trật tự.

Hiền Vy: Thưa ông có định kháng cáo cho nhà báo Trương minh Đức nữa không, hay là hết cơ hội để kháng cáo?

LS Lê Trần Luật: Đây là phiên tòa phúc thẩm, tức là bản án được thi hành ngay, nên không còn cơ hội để kháng cáo nữa.

Quyền lực đứng trên luật pháp

Hiền Vy: Thưa như vậy là các nhà dân chủ trong nước không được bảo vệ gì cả sao ? Nếu tòa án đã quyết định thì dù có luật sư, cũng không giúp được cho họ sao?

LS Lê Trần Luật: Đây là một câu hỏi khó mà tôi đã nhiều đêm suy nghĩ, nếu như không có một nền tư pháp độc lập, không đấu tranh trực diện tại một phiên tòa được thì phải làm gì. Đây là một câu hỏi mà tôi chờ đợi một người nào đó có thể trả lời được câu này.

Hiền Vy: Thưa ông, “người nào đó”, ông nghĩ là ai?

LS Lê Trần Luật: Ví dụ một người nào đó, có khả năng tổ chức, có khả năng lãnh đạo, chỉ ra một phương pháp nào đó mà có thể đấu tranh được với cái hiện trạng của Việt Nam, chứ còn bây giờ, tôi, hay một trăm luật sư nữa có biện minh hùng hồn đến đâu thì người ta vẫn xử bất chấp cái luật pháp.

Như vậy là tôi không phải đối diện với phiên toà, tôi không phải đối diện với luật pháp mà tôi đang đối diện với quyền lực… thì tôi phải đối diện với quyền lực này như thế nào? Đó là câu hỏi thật sự vượt tầm của tôi và tôi không biết phải đối diện với quyền lực này như thế nào. Tôi đang nghĩ đến một loại quyền lực có thể đối chọi lại với quyền lực này, đó chính là quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Thưa. Như vậy thì Việt Nam có luật pháp, có hiến pháp, có luật sư nhưng lại không áp dụng cho dân chúng Việt Nam, nhất là cho những nhà tranh đấu cho dân chủ, phải không ạ?

LS Lê Trần Luật: Đó là một lời nhận xét khá chính xác. Vấn đề nằm ở chỗ là, quyền lực lấn áp pháp luật, quyền lực nằm trên pháp luật, mà lẽ ra, theo nguyên lý của xã hội dân chủ thì quyền lực phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật và phải chịu sự chế tài của pháp luật bởi vì như thế mới hạn chế được quyền lực. Có nghĩa là quyền lực đã nằm trên pháp lực và bất chấp pháp luật như thế nào.

Vai trò của giới truyền thông ?

Hiền Vy: Như vậy thì theo ông có cách nào để làm cho quyền lực đó không mạnh được nữa không? Ông có một đề nghị nào không?

LS Lê Trần Luật: Tôi có một đề nghị là giới truyền thông hãy hỗ trợ trong một quá trình đấu tranh như thế. Tôi quan niệm rằng quyền lực của một nhà cầm quyền độc tài chỉ có thể bị phá vỡ nếu như quyền lực đó bị đối chọi với quyền lực của quần chúng mà một trong những cách thức biểu hiệu quyền lực của quần chúng đó chính là quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Ông nhắc đến quyền lực của giới truyền thông, thì thưa ông, truyền thông trong nước có giúp được gì không?

LS Lê Trần Luật: Thật sự là giới truyền thông trong nước không giúp được gì cho chúng tôi, chúng tôi đang chờ đợi giới truyền thông ở nước ngoài, vì trong nước, người ta đã khống chế quyền lực của giới truyền thông.

Hiền Vy: Vâng, thưa ông có muốn nhắn gì với giới truyền thông ở nước ngoài không ?

LS Lê Trần Luật: Tôi xin nhắn nhủ với giới truyền thông ở nước ngoài rằng hãy sát cánh cùng chúng tôi, hãy hỗ trợ chúng tôi trong cuộc đấu tranh một chiều như thế này.

Hiền Vy: Thay mặt cho thính giả của đài Á Châu Tự Do, Hiền Vy xin cảm ơn luật sư Lê Trần Luật !

2 nhận xét:

  1. Ở VN, Đảng CS VN là tối thượng, trên cả Chúa và Phật, sau đó mới tới Pháp Luật, rồi mới tới dân chúng, các vị là những người tiên phong đấu tranh cho dân chủ tức là chống lại Đảng CS VN, thật vô cùng dũng cảm, một người hậu sinh như tôi vô cùng kính phục.

    Trả lờiXóa
  2. "Trong bóng tối của đàn áp và bất công, họ là những thiên thần đem ánh sáng soi đường cho lương tâm nhân loại. Trong đêm đen của lịch sử Việt Nam, họ chính là những bàn tay dẫn dắt dân tộc dành lại Tự Do, Công Bình, Bác Ái cho một bình minh Việt Nam." Dương Nguyệt Ánh

    Trả lờiXóa