Chính phủ Việt Nam sắp sửa ban hành các quy định pháp luật để xiết chặt loại hình thông tin cá nhân trên mạng, thường được biết đến dưới dạng các trang blog.
Nhạy cảm, không thể buông lỏng
Sau khi chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Định có nội dung quản lý loại hình blog trên Internet, thì cách đây ít hôm, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông phát biểu với báo chí trong nước, tái khẳng định rằng thông tin điện tử là “nhạy cảm” và “không thể buông lỏng.”
Việt Nam chính thức cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông, và có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”
Theo thông tin đăng tải trên báo chí trong nước, thì quan chức Bộ Thông Tin – Truyền Thông nói rằng thông tin điện tử là lĩnh vực “mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.” Tuy nhiên, cũng theo quan chức này, với nhận định được đăng trên VietNamNet, thì quản lý “đảm bảo không buông lỏng phát triển nhưng đồng thời không hạn chế sự phát triển.”
Bài phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet với thứ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông cho thấy, rằng sắp tới đây, loại hình blog sẽ được định nghĩa cụ thể, và, với định nghĩa ấy, blog sẽ được quản lý chặt chẽ về mặt nội dung.
Quyền tự do thông tin?
Phong trào blog cá nhân hiện nay tại Việt Nam phát triển khá mạnh, đặc biệt là các blog của một số nhà báo. Theo nhận định của giới quan sát, thì nhiều blog tại Việt Nam có thể đóng vai trò của một “nhiệt kế” đo lường nhiệt độ chính trị nội tại.
Một nhà báo nói rằng, blog là nơi chia sẻ các vấn đề xã hội, trong đó có chính trị, kinh tế, giáo dục:
“Đáng chú ý, là có hiện tượng các nhà báo làm blog. Trên các blog này có khá nhiều thông tin không thể tìm thấy trên các báo chính thức.”
Sự ra đời của Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử có lẽ là hệ quả của Nghị Định được Thủ Tướng Chính Phủ ban hành hồi cuối tháng Tám vừa qua.
Nghị định này là một Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật, có nêu những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng Internet tại Việt Nam. Một trong các hành vi ấy là việc lợi dụng Internet với mục đích “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Điều quan trọng trong nghị định này, mà các văn bản luật trước đây chưa có, là một số khoản liên quan đến qui định về nhật ký cá nhân, tức các “blog.”
Ông Thứ Trưởng Đỗ Quý Doãn nói với VietNamNet, rằng blog là “vấn đề rất mới và phức tạp” do đó “cần có định hướng phát triển.”
Ông Thứ Trưởng cũng phát biểu, là “nếu hiểu blog như nhật ký cá nhân” thì loại hình này “chỉ nói những vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân.”
Thế nào là blog?
Một nhà báo Việt Nam từng nhận định, rằng Nghị Định mới của Thủ Tướng Chính Phủ bao hàm cả blog là điều “không ngạc nhiên.” Trước đây, tức là trước khi có sự bùng nổ “nhật ký cá nhân,” luật pháp liên quan đến loại hình thông tin này rất giới hạn do hạn chế về mặt luật pháp.
Tuy nhiên, khi Internet ngày càng trở thành nơi chia sẻ những thông tin “nhạy cảm,” thì sự ra đời của Nghị Định quản lý Internet là điều có thể tiên đoán trước:
“Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là “cấm kỵ” “nhạy cảm” thì càng ngày càng được chia xẻ trên Internet.”
Ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông cũng nói với VietNamNet, rằng blog có nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội thì “không thể gọi là blog.”
Nói cách khác, các trang thông tin với nội dung không phải là thông tin cá nhân thuần tuý phải được xem là “trang tin điện tử,” “bản tin” hoặc “báo điện tử.”
Một blogger Việt Nam, là bà Tạ Phong Tần, cho rằng nói như vậy là sai:
“Nói như thế là sai! Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.”
Một nhà báo khác, yêu cầu không nêu tên, nói rằng những phát biểu của ông Thứ Trưởng làm nảy sinh nhu cầu định nghĩa “thế nào là thông tin cá nhân thuần tuý.”
Sự kiện gần nhất minh chứng thái độ cứng rắn của chính quyền đối với giới blog là vụ blogger Điếu Cày bị toà án kết án 30 tháng tù.
Mặc dầu bản án chính thức liên quan đến tội danh “trốn thuế,” giới blogger Việt Nam ai cũng hiểu rằng Điếu Cày bị bắt vì tham gia biểu tình và viết bài đăng trên blog, biểu lộ thái độ chống chính quyền Trung Quốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ trưởng bộ này, ông Đỗ Quý Doãn, nói với BBC hôm 3/10 rằng cơ quan chức năng đang xúc tiến nghiên cứu xây dựng để có thể ra quy chế quản lý 'càng sớm càng tốt'.
Tuy nhiên, ông từ chối không nói rõ chi tiết.
Việc quản lý các blog cá nhân, mà nay riêng tại Việt Nam đã lên tới con số trên một triệu và có thể tăng tới 3-5 triệu trong tương lai gần, đã được đề cập tới nhiều trong thời gian gần đây.
Cuong nhabaotudo, một blogger ở trong nước, nhận xét rằng việc nhà nước xúc tiến xây dựng quy chế quản lý cho thấy có sự quan ngại trước sự lan rộng của các blog cá nhân:
"Khi nhà nước nhìn thấy khả năng gây phương hại thì họ phải có hướng để chủ động hơn trong việc quy quản."
Blogger này suy diễn rằng trong con mắt của nhà quản lý chính quyền, blog cá nhân 'như con dao':
"Dùng để thái rau, thái thịt thì không sao, nhưng dùng để đâm chém người khác thì sẽ gây ảnh hưởng cho an ninh xã hội."
Đây là một khía cạnh, mà theo blogger Cuong nhabaotudo, cách quản lý của Việt Nam khác với cách quản lý của nhà nước ở một số nước tiên tiến trên thế giới.
'Tự do ngôn luận'
Một blogger khác thì cho rằng, việc lập cơ quan và ra quy chế kiểm soát các blog cá nhân là đi ngược lại tự do ngôn luận và báo chí.
Anh nói: "Tôi vẫn sẽ viết, chỉ cần tuân thủ luật pháp và hiến pháp thì không có gì sợ cả."
Blogger này cũng khẳng định "không có thông tin nào gọi là nhạy cảm, chỉ có thông tin trung thực hay không mà thôi".
Trên thực tế, một số blogger cho rằng họ đã gặp phiền khi đăng tải trên trang của mình những thông tin ngược lại với đường lối chính thức.
Một trường hợp thu hút chú ý gần đây là blogger Điếu Cày, tức nhà báo tự do Hoàng Hải.
Tháng trước ông bị xử hai năm rưỡi tù giam vì tội trốn thuế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lý do thực là vì blogger Điếu Cày đã viết nhiều bài lưu truyền trên mạng internet về các chủ đề dân quyền, Hoàng Sa - Trường Sa và phản đối việc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh.
Một quan chức của bộ Thông tin từng được trích lời nói "chính quyền có thể xử lý hành vi phát tán nội dung, hình ảnh đi ngược thuần phong mỹ tục và thông tin chống Đảng, chống Nhà nước thông qua các blog".
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp hồi tháng Tám trong một cuộc đối thoại trực tuyến đã khẳng định chính phủ "quản lý được" sự phát triển của internet và blog.
Tuy nhiên, blogger Cuong nhabaotudo cho rằng quản lý toàn bộ các blog cá nhân là điều có tính khả thi thấp, cho dù có cơ quan quản lý mới.
Trách nhiệm và quyền hạn chính thức của Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được công bố là: chủ trì, thẩm định hồ sơ xin cấp phép, gia hạn, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, báo điện tử; cấp, thu hồi quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến.
Cục này cũng sẽ 'quản lý quảng cáo; chủ trì, nghiên cứu xây dựng hoặc thẩm định khung giá cước đối với các dịch vụ phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử'.
Theo RFA, BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét