Nguyên nhân nào khiến 2 lãnh đạo tờ Đại Đoàn Kết bị kỷ luật?




Hai lãnh đạo tờ báo Đại Đoàn Kết, thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đã bị thuyên chuyển vì "vi phạm Luật Báo chí".

Nói với BBC, ông Đinh Đức Lập, Ủy viên Trung ương MTTQVN, xác nhận ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập và Đăng Ngọc, Phó Tổng biên tập đã nhận quyết định kỷ luật chính thức.

"Hai anh sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ khác. Trong quyết định nói rõ hai anh ấy vi phạm Luật Báo chí."

Ông Lập, Giám đốc Trung tâm đào tạo cán bộ của Mặt trận, nói thêm: "Thời gian vừa qua, nhà nước Việt Nam đã phải xử lý một số trường hợp như báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và một số báo khác vì vi phạm Luật Báo chí của nước CHXHCN Việt Nam."


Dưới đây là bài viết của Thái Duy đã được đăng trên tờ Đại Đoàn Kết và một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kỹ luật 2 lãnh đạo của tờ báo. Bài viết nêu rõ việc áp dụng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nước ngoài xa lạ với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng, dẫn tới sự không còn gắn bó giữa lợi ích của nhân dân và chủ trương, chính sách của Đảng. Ngoài bài này, tháng 11 năm ngoái báo Đại Đoàn Kết còn đăng bài của đại lão công thần Võ Nguyên Giáp phản đối việc xây mới tòa nhà quốc hội trên khu đất Hòang thành Thăng Long dù vấn đề đã được quốc hội thông qua. Bài báo của Võ Nguyên Giáp đã bị các báo khác từ chối đăng

Đợt sinh hoạt chính trị lớn năm 2008

"Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, đất nước độc lập và thống nhất, chủ nghĩa xã hội theo mô hình nước ngoài xa lạ với Việt Nam lại được Quốc hội nhất trí đồng tình ủng hộ và từ sai lầm nghiêm trọng này, các chủ trương, chính sách không còn xuất phát từ lợi ích của các tầng lớp nhân dân, quan hệ giữa Đảng và dân không còn gắn bó như trước.

Đảng và Nhà nước vẫn thấy chỉ có cơ chế tập trung quan liêu bao cấp mới đưa đất nước đến dân giầu nước mạnh, còn trong dân lại khác hẳn, mỗi tầng lớp, mỗi ngành nghề đều lặng lẽ, kín đáo tìm cách tự cứu, cởi trói khỏi cơ chế mất lòng dân này.

Cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái cũ diễn ra giữa nhân dân và bộ máy Đảng và Nhà nước quan liêu, vẫn còn mê tín những kinh nghiệm nước ngoài thiếu chọn lọc.

Đông đảo nhân dân và các thành viên Mặt trận, các nhân sĩ, trí thức góp nhiều ý kiến, nêu nhiều kiến nghị nhằm cứu nền kinh tế đã lâm vào khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, vựa lúa lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu gạo. Đại diện cho các tầng lớp nhân dân, chính là đại diện cho cái mới là Mặt trận, trong khi Đảng và Nhà nước vẫn còn lún sâu trong cái cũ. Còn gì không đẹp bằng chữ "CHUI" thế mà hàng chục năm cách làm ăn mang lại no ấm cho dân, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cách làm ăn cũ do trên áp đặt lại bị gán cho tội làm "chui", dân vẫn phải "chui" kiên trì, gan góc chờ đợi những người lãnh đạo cuối cùng nhìn ra sự thật, công nhận làm "chui" mới có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với Việt Nam.

Mặt trận là nơi tổng hợp ý kiến của toàn dân, chỉ có Mặt trận mới có thể tổ chức phản biện để Đảng và Nhà nước thường xuyên nhận được phản ứng của các tầng lớp nhân dân đối với mọi chủ trương, chính sách, khen hoặc chê, đồng ý hoặc cần sửa chữa như thế nào mới hợp lòng dân ý Đảng.

Trước thử thách chưa từng thấy, lực cản cái mới lại là bộ máy Đảng và Nhà nước, đáng lẽ Mặt trận càng phải là đại diện của dân, đứng về phía quyền lợi chính đáng của dân vì quyền lợi chính đáng của dân bao giờ cũng là quyền lợi của Đảng, phản ánh trung thực mọi tâm tư nguyện vọng của dân, mọi kiến nghị, mọi hiến kế nhằm tháo gỡ khó khăn chồng chất do chính chủ quan gây ra. Rất tiếc, đấu tranh giai cấp lại là động lực chủ yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội phục hồi nền kinh tế vì vậy chủ nghĩa xã hội có những khuyết tật, nền kinh tế lụn bại là tất nhiên, đồng thời Mặt trận bị thu hẹp, không thể thực hiện chức năng đích thực là giám sát và phản biện xã hội. Mỗi lần đấu tranh giai cấp là động lực của cách mạng, tổn thất không sao lường hết, từ cải cách ruộng đất kết hợp với đấu tố, cải tạo công thương nghiệp đến những năm bao cấp, chúng ta thấy mỗi lần coi nhẹ khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dân phải trả giá quá đắt.

Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đối lập với dân chủ và đoàn kết, Mặt trận cũng bị hành chính hóa, trong thực chất Mặt trận là một cơ quan Đảng và Nhà nước hơn là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất, đại diện cho toàn dân. Mặt trận cũng nhất trí cao với mọi chủ trương chính sách, nghị quyết xa rời cuộc sống của Đảng và Nhà nước mặc dù các tầng lớp nhân dân không thể chấp nhận một nền kinh tế chỉ còn hai thành phần còn nhân dân bị trói buộc không được tự do làm ăn, thậm chí nhà doanh nghiệp còn phải về lao động cải tạo ở nông thôn để đảm bảo không còn mầm mống bóc lột. Nếu Mặt trận thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng như từng gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng suốt 30 năm kháng chiến và là nguồn gốc của mọi sức mạnh thì cơ chế bao cấp không thể tồn tại lâu như thế, phải đến khi nền kinh tế đã kiệt quệ, nạn đói đã lan rộng, vận nước đã ngàn cân treo sợi tóc thì đổi mới mới trở thành hiện thực.

Đây là bài học dân vận rất đáng ghi nhớ và nhân năm 2008 tiến hành đợt sinh hoạt chính trị lớn trong các cấp Mặt trận và toàn dân chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc Mặt trận lần thứ VII, bài học này vẫn còn tính thời sự, rất cần được suy ngẫm, nhìn lại để thấy khi Mặt trận chưa thực sự coi giám sát và phản biện xã hội là chức năng hàng đầu thì Mặt trận chưa thể đại diện cho toàn dân, vì vậy Mặt trận chưa là chỗ dựa vững chắc của Đảng. Hơn 20 năm đổi mới, Mặt trận đã có nhiều thay đổi, những ngăn cách do chiến tranh để lại đã được dần dần khắc phục, các tầng lớp trong xã hội xích lại gần nhau hơn, nhất là đối với đa số những người trước đây đã sống và làm việc trong chế độ Sài Gòn trước 1975. Quan điểm về đoàn kết dân tộc, đã không ngừng được bổ sung và phát triển ngày càng tiến bộ và thiết thực hơn. Quan điểm đấu tranh giai cấp đã bị đẩy lùi một phần nhưng còn gây khó khăn, ví dụ còn kỳ thi đối với kinh tế tư nhân trong việc vay vốn, trong hủ tục hành chính, trong thuê mướn mặt bằng sản xuất ... vẫn chưa có sự bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế. Giám sát đã có một số tiến bộ nhưng phản biện xã hội còn rất xa mới đạt yêu cầu Đảng đề ra.

Sau WTO, đi lên chủ nghĩa xã hội không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đề phòng lại có thời gian chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không theo kịp cuộc sống và trong trường hợp ấy, Mặt trận phải thực sự là nơi quy tụ mọi nhân tài, tập trung trí tuệ của toàn dân để giúp Đảng và Nhà nước theo kịp cái mới luôn luôn thay đổi, không thể tái diễn như thời bao cấp, việc đáng giải quyết một năm là cùng kéo dài hàng chục năm, riêng khoán hộ trong nông nghiệp kéo dài hơn 20 năm, làm cho dân chịu đói khổ quá lâu. Chưa ý thức được đầy đủ, sâu sắc, giám sát và phản biện xã hội là lý do tồn tại của Mặt trận, chỉ có Mặt trận mới thực hiện được trọng trách này thì Mặt trận còn tiếp tục làm những việc nơi khác cũng làm được.

Đại hội lần thứ X (2006) rất quan tâm đến đổi mới và nâng cao chất lượng mọi hoạt động của Mặt trận, Đại hội đề ra chủ trương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng, kể cả với công tác tổ chức và cán bộ. Xây dựng một cơ chế giám sát và phản biện xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Một đảng duy nhất lãnh đạo rất cần một Mặt trận có đủ khả năng giám sát chặt chẽ kết hợp với phản biện xã hội dù có tai mắt của nhân dân mới giúp Đảng phát hiện nỗi bất cập lệch lạc mới không còn lún sâu trong cái cũ quá lâu, không phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đại hội lần thứ X khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát: Đại đoàn kết dân tộc làđường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đợt sinh hoạt chính trị lớn năm nay là dịp để chúng ta nắm vững quan điểm rất quan trọng của Đảng: Động lực để phát triển đất nước là đại đoàn kết dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để trở thành động lực thúc đẩy đổi mới.

Thái Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét