Nhà cầm quyền VN phủ nhận về các tai họa kinh tế




Long S. Le, Tạp chí Kinh tế Viễn Ðông số tháng 10/08

Phan Lưu Quỳnh lược dịch

Việt Nam đang gặp khó khăn. Ở khoảng 23% trong chín tháng đầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát của nước này đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991, lúc mà lạm phát tăng đến 67%. Tỷ lệ lạm phát nhảy vọt lên một mức cao 28.3% trong tháng Tám, từ mức 25.2% hồi tháng Năm. Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho đến nay bị kém đi ở mức hơn 24% trong năm nay, trong khi đó chỉ số CPI từ 2001 đến 2007 nằm xa dưới tỷ lệ tăng trưởng của tổng sản lượng nội địa (GDP). Lạm phát và giá cả cao ngất rõ ràng đã bắt đầu làm mất đi giá trị của những thành quả xóa đói giảm nghèo vừa đạt được mới đây. Hiện thời thì hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam chỉ bảo bọc được cho 11% lực lượng lao động. Tỷ lệ dân số sống dưới mức một đô la một ngày ở khoảng 20%, hoặc gấp đôi cách đây một năm. Phần lớn vì nạn lạm phát, con số các cuộc đình công của công nhân ở các xí nghiệp do người nước ngoài làm chủ tại TPHCM đã tăng hơn 300% trong hai năm qua, theo thống kê của nhà nước.

Nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam, lo ngại về sự ổn định chính trị và tính chính đáng của họ, đã kết luận rằng tình trạng hiện thời là do kém may mắn, chứ không phải vì chính sách xấu. Vì thế, nhà nước phải chống đỡ các khó khăn kinh tế vĩ mô và thi hành các biện pháp chống lạm phát để đưa đất nước trở lại con đường phục hồi kinh tế.

Tại một hội nghị bàn tròn với các chuyên gia kinh tế Việt Nam vào ngày 13/9/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “tình trạng xáo trộn kinh tế thế giới” là nguồn gốc gây ra các khó khăn kinh tế cho Việt Nam trong năm nay. Trong khi nhìn nhận tình trạng kinh tế vẫn còn bấp bênh, ông Dũng mạnh mẽ cho rằng các biện pháp của nhà nước đã có hiệu lực, vì tỷ lệ lạm phát hàng tháng xuống còn 1.6% trong tháng Tám từ mức 3.9% hồi tháng Năm; chỉ số CPI chỉ tăng có 0.18% trong tháng Tám (mức gia tăng hàng tháng thấp nhất kể từ đầu năm 2008); và mức thâm thủng mậu dịch trong tháng Chín được tiên đoán là sẽ tăng ở một nhịp độ chậm hơn so với tháng Tám, khi mức thâm thủng đó giảm xuống còn 500 triệu từ mức 900 triệu đô la. Thêm nữa, theo ông Dũng, thì quyết định tăng giá xăng dầu hồi tháng Bảy thêm 31% đã không làm tăng tỷ lệ lạm phát hoặc chỉ số CPI như được dự đoán. Một số người đã nghĩ rằng chỉ số CPI cho tháng Tám có thể sẽ cao đến 3%.

Trong buổi họp kín này, một vài chuyên gia từ các lò suy nghĩ “độc lập” hơn đã nêu lên nhiều thắc mắc cơ bản về các vấn đề nằm bên dưới nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm các biện pháp không mấy thỏa đáng để bảo đảm chất lượng tăng trưởng kinh tế, không có sự quản trị tốt và tình trạng thiếu thốn công nhân có tay nghề. Tuy nhiên ông Dũng đã lái những nhận xét của họ sang một hướng khác bằng cách nói rằng các nỗ lực để giải quyết các vấn đề này không phải là một ưu tiên và sẽ rất khó thực hiện trong lúc này. Ðiều ưu tiên, theo ông ta, là khuyến khích các địa phương ban ngành nhằm đáp ứng được một mục tiêu tăng trưởng tổng sản lượng nội địa (GDP) 7% cho năm nay.

Ông Dũng sau đó đưa ra một chính sách đại cương ở trên trong một buổi làm việc với các đại diện của các tổ chức quốc tế quan trọng vào ngày 20/9. Ông ta khẳng định rằng các biện pháp của nhà nước sẽ làm giảm bớt lạm phát trong vòng 16 tháng tới đây. Ông ta còn nói rằng điều hợp lý là tiếp tục theo đuổi một mục tiêu tằng trưởng cao nhằm mục đích đem lại sự ổn định cho kinh tế vĩ mô. Ông Dũng cũng nói rõ rằng văn phòng của ông ta đang chuẩn bị đệ nạp một chính sách dự kiến cho Quốc hội để được thông qua. Không đưa ra bất cứ vấn đề cụ thể nào, bản dự kiến được phác thảo để ưu tiên làm giảm lạm phát xuống một tỷ lệ lý tưởng 12% vào năm tới và xuống mức một con số vào tháng 12/2009 hoặc tháng 1/2010, và đưa đất nước quay lại con đường trở thành con cọp kinh tế kế tiếp của Á Châu.

Trên thực tế, dường như có một sự bất mãn đang gia tăng về tình trạng kinh tế của đất nước, đưa đến các cuộc bàn cãi riêng tư về hiệu quả của các giải pháp cuả chính phủ và khả năng của giới lãnh đạo. Nhưng cùng lúc đó, nhiều người tin tưởng rằng nạn lạm phát đã lên đến tột đỉnh và bây giờ nền kinh tế không còn phải đối diện với một sự suy xụp nghiêm trọng nữa. Họ cảm thấy an tâm sau khi giá bán lẻ xăng và dầu cặn được giảm bớt hai lần trong tháng Tám, mặc dù giá cả ở trong nước vẫn còn cao hơn hồi đầu năm gần một phần tư.

Tuy nhiên, nhiều người hiện đang trải qua một mối lo âu về tình trạng kinh tế gia đình mà họ chưa từng thấy trong hơn một thập niên qua. Và dường như có một sự bối rối lầm lẫn ngày càng gia tăng trong quần chúng về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, cũng như không có một sự nhất trí nào về việc làm sao để giải quyết .

Ðối với các nhà phân tích thì điều “bí ẩn” bao gồm việc dự báo về tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vì chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ không mấy rõ ràng. Thủ tướng Dũng cũng lựa chọn một lập trường trái ngược –như việc chống lạm phát bằng một “đường lối linh động” để đạt được mức tăng trưởng cao. Ðối với các nhà kinh tế thì có một sự trao đổi giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế, Ông Ayumi Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển Á Châu tại Viêt Nam cảnh báo, “Nếu quý vị nhìn vào các bài học lịch sử của nhiều nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thật ra quý vị hầu như sẽ không bao giờ tìm ra được bất cứ một quốc gia nào thành công trong việc vừa kềm chế lạm phát và đồng thời vừa khuyến khích tăng trưởng”.

Quan điểm này đã được công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit nhắc lại. Dự báo của Economist Intelligence Unit tiên đoán rằng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm xuống 4.9% cho năm 2008 và 4.6% cho năm 2009, và chỉ số CPI sẽ rơi xuống 15.2% trong năm 2009 từ tỷ lệ 25%. Ðồng thời, Ngân hàng Phát triển Á Châu tin rằng Việt Nam có thể vượt trội qua mức tiên đoán GDP của họ 6.5% cho năm 2008 và 6% cho năm 2009. Nhưng Việt Nam sẽ đạt được những con số như vậy với “cái giá sẽ phải trả cho nạn lạm phát cao hơn và mức thâm thủng mậu dịch ngày càng lớn thêm”, theo ông Konishi cho biết.

Trong trường hợp “xáo trộn kinh tế toàn cầu” là nguồn gốc gây ra những khó khăn cho nền kinh tế Viêt Nam, thì sự xáo trộn đó sẽ không sớm qua khỏi đâu. Ðể cho rõ ràng, thì việc giảm giá thực phẩm cũng như xăng dầu trên thế giới mới đây có nghĩa rằng lạm phát và chỉ số CPI sẽ ít tăng nhanh hơn như dự đoán. Nhưng xáo trộn tài chánh ở thị trường chứng khoán Wall Street được đoán là sẽ có một tác động nào đó trên các cơ sở trong thị trường Việt Nam (thí dụ như các ngân hàng địa phương và tập đoàn quốc doanh lớn đang tìm đối tác và nguồn vốn ngọai quốc). Việt Nam có nhược điểm là dễ bị tổn thương vì nhu cầu thu hẹp của nền kinh tế Hoa Kỳ và sự mất giá của đồng đô la.

Ðiều này có nghĩa là một vài việc tích cực hiện nay –như 9 tháng xuất cảng gia tăng được 39% và đầu tư ngoại quốc đạt mức kỷ lục hơn 40 tỷ đô la– sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Sự suy giảm kinh tế ở Hoa Kỳ và Âu Châu cũng như tỷ lệ lạm phát ngày càng gia tăng ở Phi Luật Tân, Nam Dương, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Thái Lan sẽ có thể gây nhiều nguy hại cho các thị trường xuất cảng truyền thống của Việt Nam và các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nói chung thì dường như giới lãnh đạo ÐCSVN không muốn đối diện với sự thật. Cho đến nay thì họ chỉ muốn nhìn nhận các khó khăn chủ yếu là từ bên ngoài và dùng các biện pháp quản lý vá viú và tài trợ. Thêm nữa, họ muốn quay trở lại sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng không sẵn sàng thú nhận rằng các tai họa kinh tế hiện thời là hậu quả của một nền kinh tế phát triển qúa nhanh. Rõ rệt nhất là các cơ quan ban ngành, cơ sở hạ tầng và nhân lực đã thiếu hiệu quả trong việc chuyển hóa sự tăng trưởng nhanh chóng này thành sự tăng trưởng có chất lượng.

Việt Nam đúng ra là đã trở thành con cọp kinh tế kế tiếp của châu Á. Nền kinh tế cả nước đã phát triển ở mức trung bình 7.55% mỗi năm trong suốt thập niên qua. Cũng thế, GDP cho mỗi đầu người đã tăng lên 833 đô la trong năm 2007 từ mức 100 đô la của năm 1990. Ðóng góp thêm vào sự tăng trưởng và làm giảm tỷ lệ nghèo đói là thành công của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI. Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lớn nhất đứng hàng thứ 3 trong các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).

Nhưng ở trong cùng một tình huống tương tự thì sự tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam đặt căn bản trên những thay đổi trong quá khứ về việc lựa chọn tư bản chủ nghĩa làm cơ sở của đời sống kinh tế; trên khía cạnh đó thì cả nước đã bắt đầu từ một nền tảng rất thấp. Mặc dù những thay đổi này chắc chắn không có nghĩa là dễ dàng hay ít đau đớn, thì những thay đổi đó không thể nào lập lại được. Hơn nữa, sự tăng trưởng nhanh chóng của đất nước, dù ít hay nhiều, đều được biểu hiện bằng các nguồn năng lực đổ vào, như việc huy động lực lượng lao động ở nông thôn vào công nghiệp hóa, thu hút nguồn FDI, và đầu tư mạnh mẽ.

Sự tăng trưởng kỳ diệu của Việt Nam không đi cùng với những thu thập được thấy rõ ràng về hiệu năng hoặc mức tăng trưởng năng suất lao động Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Á Châu cho thấy rằng mức tăng trưởng của Việt Nam từ năm 1996 đến năm 2004 phần lớn là do kết quả của vốn liếng và sức lao động. Trong khi đó, năng suất nhân tố tổng hợp (total -factor productivity) – dùng để đo lường hiệu năng với vốn liếng và sức lao động được phối hợp với nhau trong việc tạo ra sản lượng kinh tế — bị thuyên giảm xuống còn 16.6% từ 62.1% trong cùng thời gian trên. Ðiều này phác họa cho thấy sự thiếu hiệu quả cuả Việt Nam trong việc xử dụng các nguồn tài nguyên công cộng khan hiếm và khả năng quản trị yếu kém gây ra hậu quả làm các phí tổn giao dịch cao, và chi phí nhân công rẻ không đủ để bù đắp vào năng suất lao động thấp hơn.

Ðể cho chắc chắn, thì các khó khăn kinh tế hiện nay không nhất thiết báo hiệu cho một sự kết thúc của mức tăng trưởng kỳ diệu ở Viêt Nam. Nhưng các khó khăn đó báo hiệu cho giới lãnh đạo đảng về sự cần thiết phải tạo ra một môi trường dẫn đến sự tăng trưởng có chất lượng. Vấn đề đối với môi trường hiện thời là nó bị bao phủ bởi các quyền lợi chính trị xã hội của đảng. Ðó là, trong khi 90% công ăn việc làm được tạo ra và 70% sản lượng công nghiệp được phát sinh ra từ các cơ sở tư nhân không thuộc về nhà nước, thì hệ thống tài chánh của nhà nước lại đối xử phân biệt trong việc phân phối phần lớn tín dụng và nguồn vốn cho các bộ phận thuộc khu vực quốc doanh.

Ở đây, việc thiếu hiệu quả là lượng vốn cần thiết để tạo ra một công việc làm ăn trong một doanh nghiệp nhà nước thì 8 lần cao hơn so với một công ty tư nhân ở trong nước; và khả năng tiết kiệm các chi phí chuyên chở và phục vụ kỹ thuật có thể dễ dàng sẽ đạt được hơn 30%, nếu các đặc quyền khác nhau dành cho các doanh nghiệp nhà nước được huỷ bỏ, theo Ngân hàng Thế giới cho biết. Như nhà khoa bảng Ari Kokko đã ghi nhận, “rất có khả năng là Việt Nam có thể sản sinh ra nhiều lợi ích đáng kể về vấn đề tạo công ăn việc làm và năng suất lao động, nếu họ có thể thiết lập ra một sân chơi đồng đều cho tất cả các loại doanh nghiệp”. Theo một vài ước đoán thì nếu không vì những quyền lợi chính trị được đặt ra để kềm giữ việc tư nhân hóa, thì Việt Nam có thể phát triển ở mức 11% -cũng nhanh chóng như Trung Quốc.

Ðiều được ghi nhận là trong các nền kinh tế đang ở thời kỳ chuyển tiếp –những nền kinh tế phát triển nhanh hơn các chế độ độc tài cộng sản hoặc tư bản– có những chính sách cải cách nào đó mà nhà nước có lẽ sẽ theo đuổi để khuyến khích tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Và có những kiểu nhà nước nào đó khá hơn có thể đề ra và thi hành các chính sách cải cách đó một cách rất đều đặn. Một nghiên cứu chuyên đề của James Riedel và William Turley vào năm 1999 –chú trọng vào cuộc cải cách rắc rối của Việt Nam –ghi nhận rằng mức tăng trưởng kinh tế có thể chịu đựng được sẽ đòi hỏi phải tăng cường việc kiểm soát các vấn đề tài chánh, tiền tệ, và thu nhập, cũng như sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm. Những rường cột của sự tăng trưởng kinh tế này sẽ được gọi đến khi các nguyên nhân thường gây ra khủng hoảng xuất hiện –chẳng hạn như các khó khăn trong cán cân thanh toán, lạm phát gia tăng hoặc thất thoát thu nhập.

Nhưng khả năng của chính phủ để đưa ra một chính sách cải cách toàn diện chỉ có khi các giao động kinh tế bất lợi hoặc trầm trọng xảy ra làm gián đoạn việc phát triển kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 1979, khủng hoảng đã luôn là chất xúc tác chính khiến Việt Nam bỏ rơi chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa chính thống. Nhưng dù là như thế, thì những hậu quả do tình trạng thiếu khả năng đã xảy ra.

Bây giờ, không biết giới lãnh đạo đảng có sẽ một lần nữa lại cho phép cởi mở thêm về chính trị để giải quyết sự khủng hoảng đang xuất hiện hay không, thì dường như không chắc xảy ra, ít nhất là trong hoàn cảnh chung của xã hội ở lúc này. Như nhà kinh tế Jonathan Pincus của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đã nhận xét thì, “không thiếu gì người ở Việt Nam hiểu rõ nguyên nhân của sự bất ổn kinh tế hiện thời và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn lạm phát giá cả, đồng thời tái lập lại sự ổn định thị trường” nhưng “những người này không ở một tư thế để làm được gì nhiều về việc đó”. Do đó, giới lãnh đạo đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế hiện nay.

Trong quá khứ, các thủ tướng Việt Nam đã xử dụng một ban cố vấn gồm các nhà kinh tế độc lập, nhưng khi ông Dũng nhậm chức vào giữa năm 2006 thì ban cố vấn này bị giải tán. Tuy nhiên, ông ta đã đề nghị Chương trình Harvard Vietnam hướng dẫn thực hiện một phân tích nghiêm trọng về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho Viêt Nam. Bản phúc trình được công bố vào tháng 1/2008 và kết luận rằng “các cơ quan chính trị, hành chánh, và giáo dục của nhà nước Việt Nam, càng lúc càng bị các nhóm quyền lợi bám víu vào lợi dụng để làm giàu và nâng cao địa vị”, cho nên “mối đe dọa lớn nhất đối với nhà nước là những nhược điểm kém cỏi của chính họ”. Ðiều quan trọng là bản phúc trình cảnh báo rằng “nạn lạm phát ở Việt Nam là vấn đề do chính nhà nước tự gây ra, phần lớn là do kết quả của việc quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém và các quyết định đầu tư thiếu hiệu quả”. Việc này đòi hỏi phải hình thành ra “một sự nhất trí ủng hộ tăng trưởng và cải cách mới” mà nó “không dễ dàng gì”, vì sự thiếu vắng của một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, và sự nhất trí của năm 1986 không còn tồn tại nữa. .

Trong trường hợp nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể đứng ra giải quyết được tình trạng hiện nay, thì Tổng bí thư đảng Nông Ðức Mạnh có thể được phép ra tay đảm trách để bắt đầu một sự “khởi đầu mới” . Ông Mạnh và phe cánh của ông ta sẽ có thể quay trở lại một chính sách tiền tệ có cơ sở hơn, cho rằng nạn lạm phát không phải là một “hiện tượng tiền tệ” nhưng phần lớn là do hậu quả của sự tăng giảm cung cấp bất ngờ (supply shocks) từ nguồn FDI to lớn đổ vào và sự gia tăng đáng kể của tín dụng trong nước. Dĩ nhiên là trong khi một sự nhất trí như vậy có thể sẽ cho phép nhà nước độc đảng được “tiến lên”, nhưng nó sẽ không đạt được nhiều hiệu quả hoặc giữ vững được sự phát triển kinh tế.

Nguồn: Y-kien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét