Làn gió phản kháng của giới luật sư Trung Quốc & Chuyện nhạc sĩ Cuba




Hiện tượng chưa từng thấy đã xảy ra tại Trung Quốc : làn gió phản kháng của giới luật sư.

Nội dung bài viết của Tuần báo Đông phương phát hành tại Thượng Hải có thể tóm lược như sau: Lưu Nghiêu, một luật sư ở tỉnh Quảng Đông bênh vực nông dân bị cán bộ tham ô ở địa phương chiếm đoạt đất đai để xây nhà máy. Để trả thù, chính quyền địa phương truy tố ông ra toà với tội danh xúi dục nông dân đốt hàng rào bao chung quanh khu đất tranh chấp và phạt ông 4 năm tù giam. Lưu Nghiêu chống án. Và vì toà án do đảng chi phối công bố bản án à không qua một phiên xử, hàng loạt luật sư Trung Quốc đã gởi kiến nghị lên Hiệp hội luật sư quốc gia và mở một chiến dịch hỗ trợ đồng nghiệp trên quy mô lớn chưa từng thấy. Các văn phòng luật sư tại Thẩm Khuyến, Quảng Châu tổ chức hội thảo phối hợp hoạt động. Một nhóm 30 luật sư lên tận Bắc Kinh để tố giác và cung cấp dữ kiện biện hộ cho đồng nghiệp.Trên mạng Internet thì tràn ngập phản ứng của công luận :”luật pháp phải được áp dụng một cách chí công vô tư không thiên vị”

Theo Đông Phương Tuần Báo, sỡ dĩ vụ việc đập phá hàng rào gây ra xúc động lớn trong giới luật gia và truyền thông là vì luật sư Lưu Nghiêu bị đưa vào tù chỉ vì ông làm phận sự của một luật sư bảo vệ quyền lợi cá nhân của dân làng Bái Thủ. Thế mà phong trào nông dân phản đối nổ ra là do công ty Phú Nguyên mà nhà nước binh vực gây ra. Trong lúc tranh chấp chưa ngã ngũ mà công ty này ngang nhiên thi công trên mảnh đất của nông dân. Không bồi thường cũng không chờ thủ tục trưng thu hoàn tất. Công ty này cũng chưa có giấy phép xây cất và cũng chưa được quyền khai thác mảnh đất đang tranh chấp thế mà vẫn ngang nhiên chiếm đất của dân làng. Vậy thì ai có lỗi ?

Thế mà Toà án đã dựa vào hai báo cáo chẳng có giá trị gì do văn phòng kiểm tra địa ốc của địa phương làm ra và còn khẳng định là nông dân đã được bồi thường thoả đáng.

Phân tích về thái độ đoàn kết “vô tiền khoán hậu” của giới luật sư, Đông Phương Tảo Báo viết : Phong trào tương thân tương trợ này cho thấy, giới luật sư Trung Quốc ý thức được trong thời đại mà khái niệm nhà nước pháp quyền chỉ có giá trị trên giấy, luật sư Trung Quốc hành nghệ trong một môi trường đầy nguy hiểm. Khi thấy một đồng nghiệp bị trù dập, họ biết là số phận của họ cũng sẽ như vậy. Tờ báo mượn lời của văn hào Hemingway : Đừng hỏi tiếng trống báo hiệu giờ hành quyết dành cho ai. Nó dành cho chính bạn đấy. Khi một luật sư ở Thẩm Quyến bị trù dập thì cả tập thể luật sư trên toàn quốc cũng là đối tượng của pháp luật một chiều. Do đó tất cả đều hành động.

Kết quả : toà phúc thẩm buộc phải công nhận yếu tố buộc tội luật sư Lưu Nghiêu là không đầy đủ.

Một trường hợp điển hình thứ hai là vụ luật sư Mã Khắc Đông cũng ở Quảng Đông bị kết án 11 năm tù trong phiên xử hồi tháng 5 năm nay. Lập tức 200 luật sư ký tên chung trên một đơn khiếu nại đòi Quốc hội Trung Quốc và bộ Tư pháp xem lại vụ này.

Tuần báo Thượng Hải kết luận lạc quan như sau: May thay, người dân chúng ta ngày nay đã ý thức được rằng nếu một người quay lưng đi khi thấy một đồng loại gặp khó khăn, thì sớm muộn gì người đó cũng đụng phải những khó khăn tương tợ và không ai giúp mình.


Tuổi trẻ thách thức chế độ Cuba

Trung Quốc như vậy, còn giới trẻ ở Cuba, cũng sống trong một chế độ chính trị giống như vậy thì họ phản ứng ra sao ? Để có câu trả lời, xin mời quý thính giả mở trang 63 của tuần báo L’Express.

Với tựa: “Nhạc Punk thách thức anh em Castro”, L’Express giới thiệu đến độc giả một nhạc sĩ trẻ của Cuba, xuất thân là một thợ in, mà phía chính quyền xem là biểu tượng của một thế hệ khinh thường chính trị và không có tương lai.

Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Gorki Aguila thuộc thế hệ chào đời trong thập niên 70 khi mà tại Cuba có “mốt” đặt tên Nga cho con. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại anh cho biết là điện thoại của anh đang bị công an nghe lén nhưng anh không sợ. Năm năm trước đây Aguila bị kết án 4 năm tù với tội danh tàng trữ ma túy. Thực ra thì nhà nước Cuba tìm cách cô lập chàng thanh niên dám gọi đích danh hai anh em Fidel và Raoul Castro là thủ phạm gây ra tình trạng thiếu tự do và suy sụp kinh tế tại Cuba. Trong lúc hầu hết các nhà văn Cuba chỉ dám nói hé hé mở mở, ẩn dụ phê bình gián tiếp chế độ, thì Gorki Aguila chỉ thẳng ngón tay vào lãnh đạo. Đây là dấu hiệu cho thấy chế độ đã thất bại hoàn toàn trong chính sách biến thế hệ trẻ thành những con cừu non.

Được tự do tạm sau hai năm tù, anh bị ra toà một lần nữa hồi tháng 8 vừa qua với tội danh là “thành phần nguy hiểm cho xã hội”. Nhưng trước quy mô huy động của giới ái mộ, của giới nhân quyền, văn hóa , ngoại giao, anh chỉ bị phạt có 600 pesos tương đương với 20 đô la thay vì bản án 4 năm.

Vì sao chính quyền Cuba phải lùi bước ? Theo nhà xã hội học Laura Garcia, nhốt Anguila vào tù đã tạo ra kết quả là lời nhạc đã kích của anh trở thành triệt để hơn. Anh gọi đích danh Fidel Castro là “bạo chúa suy đồi” là “kẻ hôn mê lang thang” còn Raoul Castro là “viên tướng say mèm, không đủ khả năng đọc một bài diễn văn cho ra hồn”.

Một lý do thứ hai, không phải chính quyền Cuba đã bớt độc tài đâu. Theo một nhà phân tích, thì có lẽ chính quyền tìm ra phương cách cô lập anh bằng cách bao vây những người thân của anh. Mặc dù phát hành được hai đĩa CD nhưng anh không làm sao tổ chức được một buổi trình diễn. Bằng mọi cách, chính quyền không cho con “virus” nhạc trẻ này lây lan. Trả lời phỏng vấn L’Express, anh gián tiếp xác nhận “chính quyền đang sửa soạn một trò gì đó để hại anh. Nhưng Anh không sợ. Phương thuốc chống sợ hãi của anh là “tập trung vào đam mê âm nhạc”. Anh đang chuẩn bị một album mới.Tên của Album này là Ban chấp hành già lão trung ương.

Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét