Tại Đại hội đồng LHQ New York, tố cáo Hà Nội đàn áp và bắt bớ những người biểu tình ôn hòa

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 1.10.2008

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam hoạt động cho nhân quyền tại LHQ ở Genève và New York – Tại Đại hội đồng LHQ New York, tố cáo Hà Nội đàn áp và bắt bớ những người biểu tình ôn hòa

PARIS, ngày 1.10.2008 (QUÊ MẸ) - Liên tục từ ngày 15 đến 26.9.2008, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã hoạt động ráo riết cho nhân quyền Việt Nam tại khóa họp lần thứ 9 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại trụ sở Genève. Sau đó sang dự Đại hội đồng LHQ tại trụ sở New York.

Nhân khóa họp lần thứ 9 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam do ông Võ Văn Ái dẫn đầu đã đến gặp gỡ các Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Tự do Tôn giáo, đặc nhiệm Tự do Ngôn luận và Tư tưởng, đặc nhiệm Bảo vệ những người đấu tranh cho Nhân quyền, và Tổ Hành động của LHQ chống bắt bớ trái phép. Những vấn đề được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt đưa ra lên quan đến tình trạng đàn áp tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói riêng, cũng như việc bắt bớ gần đây của những người đòi hỏi nhân quyền trong các cuộc biểu tình ôn hòa, như trường hợp của các vị Nguyễn Hoàng Hải (Điếu Cày), Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Phạm Thanh Nghiên, Trương Minh Đức cũng như hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.

Nhân dịp này Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người cũng được mời cùng với 300 đại biểu các tổ chức Phi Chính phủ trong thế giới gặp gỡ bà Navi Pillay (1), Tân Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm chiều ngày thứ tư 17.9.

Từ khi kế tục Ủy hội Nhân quyền LHQ vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền LHQ đang trải qua cơn sóng gió phân tranh giữa khuynh hướng bảo vệ nhân quyền của các tổ chức Phi chính phủ trên thế giới và khuynh hướng chính trị hóa nhân quyền của một số các quốc gia thành viên LHQ. Cựu Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Louise Arbore, người Canada ra đi khi mọi sự còn dang dở, thì Tân Cao ủy Nhân quyền, bà Navi Pillay đến thay. Sự thay thế mang hai ý nghĩa tối hậu.

Một là, cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng về cơ cấu tổ chức và đường hướng của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hai là, năm 2008 là năm trọng đại trên lịch kỷ niệm Nhân quyền thế giới : 60 năm Công ước chống nạn Diệt chủng vào ngày 9.12 ; 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ; và hai cuộc kỷ niệm 10 năm Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những người đấu tranh cho Nhân quyền, và 15 năm Hội nghị Nhân quyền Thế giới tại Vienna.

Trong bài diễn văn nhậm chức đọc tại khóa họp lần thứ 9 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (họp từ ngày 6 đến ngày 29 tháng 9 ở Genève), bà Tân Cao ủy Nhân quyền nói : “Tôi khởi sự với lời hứa rằng, sự tín nhiệm của nhân quyền tùy thuộc khi được gắn bó với sự thật, chứ không là hành xử nước đôi hay áp dụng theo sự kén chọn”. Bà còn nhấn mạnh : “Quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp là những quyền không thể thiếu cho các xã hội dân sự, các quyền này đang bị áp đảo trên mọi miền thế giới”. Và bà lên tiếng kêu gọi sự ngăn chặn “Những chu kỳ bạo động, sự vận dụng sợ hãi, và khai thác chính trị dựa trên vấn đề khác biệt sắc tộc, chủng tộc và tôn giáo”

Vừa lên nhậm chức, bà Navi Pullay làm một động thái ngoạn mục và đầy hứa hẹn là mời các tổ chức Phi chính phủ gặp gỡ trao đổi tại Điện Quốc Liên ở Genève. Trong cuộc gặp gỡ này, các tổ chức Nhân quyền quốc tế nêu lên nhiều câu hỏi, nhưng đều nói lên mối quan ngại về sự khủng hoảng đường lối và cơ cấu mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời từ năm 2006, thay thế cho Ủy hội Nhân quyền LHQ trước đây. Đại loại có những câu hỏi tiêu biểu như :

- Trong nhiều quốc gia, các tổ chức dân sự đang bị đe dọa. Các quốc gia này ban hành nhiều luật pháp nhằm khóa miệng các xã hội dân sự. Cũng như tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, một số quốc gia đang tìm cách hạn chế vai trò và tiếng nói của các tổ chức Phi chính phủ. Bà sẽ làm gì trước tình cảnh ấy, thưa bà Cao ủy Nhân quyền LHQ ?

Hoặc :

- Chúng tôi đang rất lo ngại cho sự kiện “chính trị hóa” Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nhiều quốc gia đang đẩy các chính phủ vào trung tâm các cơ cấu kiểm soát nhân quyền, mà trước đây vai trò trọng yếu này do các chuyên gia nhân quyền độc lập cáng đáng. Nhiều quốc gia đang tìm cách áp đặt ảnh hưởng của họ nếu không nói là kiểm soát Hội đồng Nhân quyền, vượt qua vai trò của Cao Ủy Nhân quyền. Tình hình rất xấu, vì Cao ủy Nhân quyền cần được duy trì tính chất độc lập, cần được duy trì tiếng nói mạnh mẽ cho những nạn nhân khi các quốc gia ngoảnh mặt làm ngơ ?

Trước các câu hỏi bức xúc như thế, bà Navi Pillay đoan quyết rằng :

“Tôi quyết tâm bảo vệ các xã hội dân sự tại Cao ủy Nhân quyền cũng như trong thế giới. Tôi sẽ đến thăm những quốc gia nào mà ở đó các xã hội dân sự bị đàn áp nghiêm trọng. Tôi quyết tâm giữ vững tính cách độc lập, và sẽ hoạt động để ngăn ngừa mọi âm mưu của các quốc gia muốn chính trị hóa và áp đặt ảnh hưởng của họ”.

Đáp câu phỏng vấn của chị Ỷ Lan, phóng viên Đài Á châu Tự do về cảm tưởng của bà trước nhiệm vụ mới, và dự án quan trọng bà muốn thực hiện trong nhiệm kỳ mới này, Bà Nally Pillay trả lời :

Trước hết là tiếp tục công việc của người tiền nhiệm tôi, là bà Louise Arbor đã thiết lập được nhiều cơ cấu. Mặt khác, tôi rất chú tâm đến việc Duyệt xét Phổ quát có Định kỳ (Universal Periodic Review) mà các quốc gia có trách vụ tự kiểm điểm tình trạng nhân quyền tại nước họ. Tôi mong ước hỗ trợ những gì mà tôi thu lượm trong cuộc gặp gỡ hôm nay với sự hợp tác của các tổ chức xã hội dân sự. Tôi tin rằng các xã hội dân sự này là trung tâm và chủ yếu cho việc nói lên các vi phạm nhân quyền. Và đó là ý định cam kết toàn tâm của tôi trong nhiệm kỳ này”.

Duyệt xét Phổ quát có Định kỳ (Universal Periodic Review) mà bà Navi Pillay nói trong câu trả lời, là cơ cấu mới tại LHQ bó buộc các quốc gia thành viên phúc trình tình trạng nhân quyền tại nước mình. Phúc trình này sẽ do các quốc gia khác duyệt xét chiếu theo tiêu chuẩn của các nguyên tắc và công ước nhân quyền LHQ.

Sau khi hoàn thành cuộc vận động tại Genève, Phái đoàn Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam bay sang New York để tiếp tục cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam nhân kỳ Đại hội Thường niên LHQ tại trụ sở New York.

Tại đây, mỗi năm các Ngoại trưởng thuộc 120 quốc gia trong “Cơ cấu Dân chủ LHQ” (2) họp xét tiến trình dân chủ trong thế giới cùng với tổ chức song hành được thiết lập từ năm 2005 có tên “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ”. Ủy ban này đại diện cho các tổ chức Phi chính phủ hoạt động cho dân chủ trên địa cầu, gồm có 25 ủy viên Thường vụ đại diện các Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh, Đông Âu, Tây Âu, và Trung Đông. Ông Võ Văn Ái được bầu làm ủy viên thường vụ trong Ủy ban Điều hướng này.

Tại cuộc họp ba ngày của Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi Chính phủ, ông Võ Văn Ái đã nêu lên vấn đề Việt Nam Cộng sản không hoàn thành trách vụ của một thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ. Vì nhà cầm quyền Hà Nội không ngừng đàn áp tôn giáo và các phong trào đòi hỏi ôn hòa cho dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Điển hình là các cuộc biểu tình của Dân oan khắp nước, của người Công giáo ở Hà Nội. Đặc biệt là hôm 14.9 vừa qua thanh niên, sinh viên biểu tình chống việc Đảng Cộng sản dâng hiến hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa cho Trung quốc. Nhưng cuộc biểu tình đã bị cấm đoán, nhiều người bị bắt. Yêu cầu phải tố cáo Việt Nam trước LHQ của ông Ái đã được chấp thuận.

Hôm thứ sáu 26.9, Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ đã nói lên thực trạng tại các quốc gia Nepal, Buthan, Miến Điện, Kenya, Zimbawe, Georgia. Đặc biệt, Ủy ban lên tiếng tố cáo những cuộc bắt bớ thanh niên, sinh viên biểu tình ôn hòa đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa và kêu gọi Việt Nam phải hoàn thành trách vụ của một quốc gia thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ.

(1) Năm nay bà 67 tuổi, là người Phụ nữ Nam Phi đầu tiên cáng đáng chức vụ tối cao này tại Cao ủy Nhân quyền LHQ và do ông Tổng thư ký Ban Ki-moon suy cử tháng 7 vừa qua. Một con người của ý chí. Bà thuộc sắc tộc Tamoul ở Nam Phi, nhà nghèo, không đủ tiền ăn học. Nhưng trước những bất công xã hội và kỳ thị chủng tộc của người da trắng ở Nam Phi, bà phấn đấu vừa đi làm vừa đi học. Chọn ngành Luật và trở thành người đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid. Năm 1967, bà là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Luật sư ở Nam Phi. Năm 1981, sang học luật quốc tế tại đại học Havard, Hoa Kỳ. Năm 1995, bà cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên được chọn vào Tòa Thượng thẩm Nam Phi, cùng năm ấy, bà được chọn vào Tòa án Hình sự Quốc tế đặc trách Rwanda. Qua năm 2003, bà trở thành thẩm phán tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye.

(2) Sau 8 năm hoạt động và từ hai năm qua, trên một trăm quốc gia dân chủ thuộc “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” đã thành công thiết lập tại LHQ “Cơ cấu Dân chủ LHQ” cùng với “Qũy LHQ tài trợ Dân chủ”. Thế là ngoài Hội đồng Nhân quyền LHQ, nay có thêm Cơ cấu Dân chủ LHQ nhằm hậu thuẫn cho sự phát huy dân chủ.

Nhận thấy các xã hội dân sự hay các tổ chức Phi chính phủ là lực lượng không thể thiếu cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, nên kể từ 3 năm trước, “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” đã hình thành tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Santiago, Chi lê, “Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ” để kết hợp công trình dân chủ giữa các chính phủ và các tổ chức Phi chính phủ trong thế giới.

Sự hình thành mới mẽ và quan trọng trên đây phát xuất từ ý thức của một số Chính phủ và các tổ chức Phi chính phủ nhận thấy rằng các chế độ độc tài toàn trị trên thế giới liên kết chặt chẽ với nhau thành khối để đàn áp nhân loại. Còn phía dân chủ thì rời rạc, riêng tư, nên quyết định họp nhau để bảo vệ và phát huy dân chủ. Từ đó cho ra đời tổ chức mới có tên “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”. Vào tháng 6 năm 2000, 107 Chính phủ đến thủ đô Ba Lan, Warsaw, tham gia cuộc họp ở cấp Bộ trưởng và đồng ý ra bản “Tuyên ngôn Warsaw” được xem như bổ sung cho Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Từ cơ bản Tuyên ngôn, thêm vào ý kiến cho rằng ngoài các nhân quyền cơ bản, các dân tộc trong thế giới còn có quyền sở đắc một chính phủ dân chủ. Đây là điểm tăng cường Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cho rằng mọi dân tộc có quyền sở đắc một chính phủ mà họ được quyền tham gia, họ được quyền ảnh hưởng vào các quyết định tác động đến đời sống của họ. Từ đó, các chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tiếp tục gặp nhau mỗi hai năm một lần tại Hán Thành ở Nam Hàn (2002), Santiago ở Chi Lê (2005), tại Bamako ở Mali (2007), và sắp tới tại thủ đô Lisbon ở Bồ Đào Nha (2009). Mỗi cuộc họp các Bộ trưởng, Cộng đồng lại vạch ra kế hoạch mới cho sự hợp tác mật thiết giữa các nền dân chủ để thăng tiến dân chủ trong thế giới, giúp đỡ các nền dân chủ còn phôi thai hình thành, và khuyến khích sự phát triển dân chủ trong các quốc gia phi dân chủ.

Đặc thù của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là sự kết hợp giữa các Chính phủ và các tổ chức Phi chính phủ. Hai năm rưởi trước đây, các tổ chức Phi Chính phủ họp nhau và thiết lập "Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ" (International Steering Committee of Non Govermental Process) thuộc "Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ". Ủy ban Điều hướng Quốc tế cho Tiến trình Phi chính phủ là cơ quan điều hướng kế hoạch và lấy quyết định cho các tổ chức Phi chính phủ, gồm có 25 uỷ viên thường vụ đại diện cho năm châu. Uỷ ban này hoạt động chung với đối tác là các chính phủ để phát huy các sáng kiến nhằm thăng tiến dân chủ trên toàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét