Vẫn là điệp khúc muôn năm cũ...



Hết năm này qua năm khác, quyết tâm thì cứ hô to quyết tâm, nhưng tham nhũng cứ vẫn là “tình hình nghiêm trọng và diễn biến phức tạp”! Tại sao?

1.- Ngày 8-10-2008, Uy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe báo cáo của ban Thanh tra của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (tham nhũng) và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tôi đọc kỹ hai bài tường thuật của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ ra ngày 9-10-2008 để xem có yếu tố gì mới không, có tiến bộ cụ thể rõ ràng nào không, nhưng thất vọng.

Vẫn là điệp khúc “muôn năm cũ”: “Xét trong tổng thể, tình hình tham nhũng trong năm qua vẫn còn diễn biến phức tạp”. Nhưng, nói cho ngay, cũng có yếu tố mới, đó là -theo báo cáo của ông Thanh tra- “đã xuất hiện những vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài”, chỉ tiếc rằng yếu tố đó chỉ mở rộng thêm phạm vi tham nhũng, làm cho tham nhũng thêm phức tạp hơn mà thôi. Có lẽ ông Thanh tra muốn nói tới trường hợp một số người Nhật tham gia một dự án nào đó tại Việt Nam do chính phủ Nhật tài trợ, số người này bị phía Nhật điều tra vì nghi đã chi nhiều tiền cho những cán bộ công chức của Việt Nam, và tôi nhớ vào khoảng đầu năm nay, chính phủ Nhật đã yêu cầu phía Việt Nam cộng tác để mở rộng cuộc điều tra. Không biết vụ việc đã tới đâu rồi? Nhưng nếu đúng như thế, thì người tham nhũng vẫn là “ta” chứ không phải Nhật.

2.- Những “cái cũ” của tình hình tham nhũng hiện nay là gì? Xin nêu ra một vài điều sau đây:

- Các vụ tham nhũng do các cơ quan, tổ chức tự phát hiện là rất hạn chế, mà PHẦN LỚN LÀ DO DÂN phát hiện;
- Tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm về tham nhũng mà dư luận quan tâm còn RẤT CHẬM;
- Việc xử lý các vụ tham nhũng CHƯA NGHIÊM MINH, CHƯA TRIỆT ĐỂ (“chưa” nghĩa là “không”); một uỷ viên của Uy ban Thường vụ Quốc hội nhắc lại rằng một năm thanh tra hàng nghìn cuộc, đưa ra xử lý hàng trăm trường hợp nhưng có tới 1/3 ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO;
- Trong một số vụ việc, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU (nói chung là các quan chức) CHƯA ĐƯỢC XEM XÉT, LÀM RÕ;
- Việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra CHƯA TỐT (chỉ thu hồi được hơn 3.000 tỉ đồng trên tổng số hơn 6.700 tỉ phải thu hồi);
- Năm 2008, đã xuất hiện một số trường hợp người tố cáo có dấu hiệu BỊ TRẢ THÙ, nhưng chưa được xử lý. Đây là một điểm mới nữa (?), được chính chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội bức xúc nêu lên.

Cuộc họp tại Uy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10 nói trên cũng lại cho thấy tính bất cập của một số biện pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí, và cái này cũng chả mới mẻ gì. Ví dụ:

- Chủ trương các cơ quan, tổ chức, đơn vị TƯ THANH TRA, tự kiểm điểm nội bộ;
- Quy định các cán bộ, công chức phải TỰ GIÁC NỘP LẠI quà biếu, quà tặng;
- Quy định cán bộ, công chức phải TƯ KÊ KHAI tài sản và thu nhập.

Đọc những chủ trương, quy định trên, ai mà không thấy đương nhiên là “không kết quả như mong muốn”. Đó chỉ là những chuyện hình thức mà thôi, bởi vì làm sao “mình tự đánh mình” được, làm sao anh em đồng chí với nhau trong cùng cơ quan, tổ chức lại có thể “quyết liệt” với nhau được, nhất là khi mình chỉ là cấp dưới? Hoạ chăng mấy “ông thánh” mới dám làm. Mà thánh thì hiếm lắm! Không hiểu người ta đưa ra chủ trương chống tham nhũng như thế là thật lòng hay là thế nào? Việc tự kê khai tài sản và thu nhập chẳng những là hình thức mà còn hoàn toàn thiếu thực tế đối với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay nữa. Rồi kê khai mà không có cơ chế xác minh, kiểm tra, chưa có biện pháp chế tài đối với kẻ chẳng may bị khám phá là gian dối, thì rõ ràng là chuyện nửa vời, đưa ra cho có mà thôi. Ong Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng Dân tộc phát biểu: “Tôi thấy có hiện tượng nhiều giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo mua nhà, đất ở Hà Nội, Tp HCM. Có những người hông chỉ mua vài tỉ đồng mà lên tới vài chục tỉ đồng. Vậy chúng ta có dám khoanh vùng vấn đề này để tìm hiểu, xử lý không?” (Tuổi Trẻ, sđd, tr.3).

3.- Tôi có ghi lại một vài ý kiến của Quốc Hội năm 2004 về vấn đề tham nhũng, xin nêu lên để so sánh. “Tất cả các lãnh vực kinh tế đều bị phát hiện có tham nhũng. 82% vụ việc tiêu cực bị phát hiện là nhờ nhân dân tố cáo và báo chí” (Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, Đại biểu Hà Nội. Theo báo TT ngày 29-5-2004). Bài “Tham nhũng: phần chìm của tảng băng” trên TT 3-11-2004, nhắc lại ý kiến một đại biểu Quốc hội: “Vấn đề tham nhũng đã được nêu lên khá gay gắt ở nhiều khoá QH, nhiều nhiệm kỳ của chính phủ, nhưng đến nay không giảm mà còn có xu hướng phát triển rộng”. Bài báo cũng ghi lại 5 biện pháp đề nghị của Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Bình Thuận như sau: 1/ dân chủ, 2/ công khai các chủ trương, chính sách, 3/ cơ chế, giải pháp cụ thể thay vì kêu gọi chung chung, 4/ biện pháp mạnh, 5/ kiểm tra, thanh tra thường xuyên.

Tại Hội nghị phòng chống tội phạm chiều 9-11-2004, Đại tá Nguyễn Hoà Bình thuộc Bộ Công an đã có bài tham luận rất được chú ý. Sau khi đưa ra mấy đặc trưng của thực trạng tham nhũng hiện nay [2004], bài tham luận đề cập tới “7 hiện tượng” trong phòng, chống tham nhũng:

- 1/ tỷ lệ phát hiện rất thấp (khoảng 5%), tỷ lệ ẩn rất cao ( tới 95%).
- 2/ quyết tâm chống tham nhũng chung chung rất cao, nhưng vào vụ việc cụ thể thì có biểu hiện chần chừ, thiếu quyết tâm,
- 3/ tỷ lệ tham nhũng do cấp huyện phát hiện rất thấp, cấp tỉnh thì lẻ tẻ, chủ yếu do cấp trung ương,
- 4/ đấu tranh chống tham nhũng thường là ở sân đối phương, còn ở sân nhà đấu tranh rất thấp (Bộ về tỉnh đánh, tỉnh đánh ở huyện, hay tỉnh này sang đánh ở tỉnh kia thì được, nhưng tỉnh mà đánh doanh nghiệp ở tại tỉnh mình thì kết quả rất hạn chế […]
- 5/ cơ quan truy tố xét xử thường có kết quả rất “ÊM”, v.v. (TT ngày 10-11-2004).

4.- Kết luận. Từ năm 2004 (và dĩ nhiên từ trước đó) đến năm 2008 này, khó tìm ra được nét nào tiến bộ và kết quả thực sự trong phòng chống tham nhũng. Chắc không phải là không có những cán bộ, công chức, nhà lãnh đạo thật lòng muốn tiêu diệt nạn tham nhũng, lãng phí đang tàn phá đất nước, nhưng vấn đề phòng chống không nằm chủ yếu trong ý thức, thiện chí hay quyết tâm của những cá nhân, mà là trong các cơ chế. Không ai tham nhũng được ngoài những kẻ có chức có quyền, tức cán bộ, công chức, người lãnh đạo mà tuyệt đại bộ phận là đảng viên. Nay chính những người ấy làm luật, hay đưa ra những chủ trương, chính sách chống tham nhũng để mình và các đồng chí của mình thi hành, và lại cũng chính mình giám sát mình và xét xử mình. Làm thế chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi vậy. Cần phải có những người giám sát thực sự, mà trong hệ thống chính trị Việt Nam, những người đó phải nằm ngoài những kẻ cầm quyền, đó là nhân dân và giới báo chí; nhưng họ lại chưa có thực quyền nào cả. Luật pháp có dám tạo ra những cơ chế, tổ chức của nhân dân và báo chí [không phải là Mặt trận] và trao cho họ những quyền hạn mạnh mẽ, đủ rộng lớn để giám sát những kẻ có chức quyền hay không? Thiết tưởng đó là thách thức hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo đất nước, mà nếu không đáp ứng được, e rằng điệp khúc “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp” sẽ còn được lặp lại dài dài.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Vietcatholic

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét