Sáng nay, lúc 8 giờ Cầu Cần Thơ đang xây đã đột ngột sập xuống khiến vài chục người thương vong, hàng trăm người bị thương khác đang được cấp cứu.
Phóng viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đã lên đường. Chúng tôi sẽ thông tin và chuyển hình ảnh đến các bạn.
Theo Tuổi Trẻ Online
Tại BV 121 (quân khu 9) hiện đã có 18 người chết, 50 người đang được cấp cứu.
Tại BV Đa khoa TW Cần Thơ, khoảng 100 người đang được cấp cứu, 8 người đã chết.
Tại BV 30-4 của TP Cần Thơ, có 2 người chết, 14 người đang được cấp cứu. Con số tại các bệnh viện tư nhân hiện chưa được thống kê.
* Các Bệnh viện tại Cần Thơ hiện đã quá tải
* BV Chợ Rẫy cử gần 20 bác sĩ, điều dưỡng xuống Cần Thơ chi viện
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng tháng 9 năm 2004 và sẽ kết thúc sau 50 tháng xây dựng dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm 2008. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số đặc trưng của cầu để bạn đọc tham khảo.
Vị trí của dự án
Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên QL1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh QL1 và thành phố Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3.2km, nối trở lại QL1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.
Hình phối cảnh cầu Cần Thơ
Quy mô của dự án
Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khỏang 15%).
Dự án được chia thành 3 gói thầu:
Gói thầu 1: là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km trong đó có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà On và vượt QL 54. Gói thầu này do Liên doanh Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty 6, Tổng Công ty 8, thi công trong 42 tháng.
Gói thầu 2: là cầu chính gồm có:
- Cầu dẫn bờ Bắc bằng dầm Super T dài 0,52km
- Cầu chính kết cấu dây văng dài 1,010km bố trí nhịp:
2x40 + 150 + 550 + 150 + 2x40
- Cầu dẫn bờ Nam bằng dầm Super T dài 0,88km
- Cầu dầm liên tục đúc hẫng vượt nhánh sông Hậu dài 0,34km
Tổng chiều dài cầu chính là 2,75km
Gói thầu này do Liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là các tập đoàn Taisei, Kajima và Nippon Steel thi công trong 50 tháng
Gói thầu 3: là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ap Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt QL 91B. Gói thầu này do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.
Toàn tuyến dự án có mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy và tốc độ thiết kế 80km/giờ. Tiêu chuẩn thiết kế cầu theo quy trình AASHTO LRFD.
Sơ đồ bố trí cầu chính
Một số đặc trưng của cầu Cần Thơ
Nói chung cầu Cần Thơ cũng có những đặc trưng phổ biến của loại cầu dây văng, ở đây chúng tôi chỉ nêu môt số đặc điểm riêng của cầu:
- Về móng trụ tháp: là loại cọc khoan nhồi có đường kính 2.50m nhưng có chiều dài vào loại dài nhất được thi công ở nước ta: 94m và mỗi cọc có 45 tấn thép với cốt thép chủ đường kính 38mm và gần 500m3 bê tông mác 30Mpa. Trụ bờ Bắc có 30 cọc và trụ bờ Nam có 36 cọc. Máy khoan cọc nhồi làm việc theo nguyên tắc tuần hoàn ngược liên tục dùng dung dịch bentonite có pha polymer khoảng 5%. Ở trụ bờ Bắc thi công trên bờ nên dùng ống thép đường kính 2,60m dầy 22mm và dài 12m làm ống vách tạm thời (khoan nhồi xong rút lên). Ở trụ bờ Nam thi công dưới nước có độ sâu 20m nên phải dùng ống vách chiều dài 42m cố định (khoan nhồi xong để lại không rút lên). Chân cọc sau khi đổ bê tông được bơm vữa xi măng bằng bơm áp lực cao để tăng cường sức chịu tải của cọc.
Cọc khoan nhồi trên bờ và dưới sông
- Bệ trụ tháp bờ Bắc thi công trên cạn nên làm hố móng và lắp ván khuôn đổ bê tông thông thường. Riêng bệ trụ tháp bờ Nam thi công dưới nước nên mặt đáy và vòng vây xung quanh được đúc sẵn trên bờ và lắp ghép trên đâu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ. Vòng vây xung quanh có chiều sâu ngập trong nước dưới cao trình mặt đáy bệ để che chắn bảo vệ đầu cọc. Đây là phương pháp rất hay vừa tiết kiệm chi phí ván khuôn, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhưng phải đảm bảo việc định vị các cọc hết sức chính xác trong quá trình thi công khoan nhồi (đặc biệt là thi công dưới nước dòng chảy mạnh và mực nước lên xuống do ảnh hưởng của thủy triều), nếu không chính xác các tấm đáy không lắp ghép được và khó mà bịt kín đáy để thi công cốt thép trong môi trường khô ráo. Cốt thép thi công bệ trụ có đường kính lớn nhất tới 52mm và nối dối đầu bằng đầu nối có ren, thí nghiệm kiểm chứng cho thấy khi kéo phá hoại cốt thép đứt ở thân chứ không đứt ở mối nối.
- Về trụ tháp có chiều cao tính từ mặt nước là 164,80m và tính từ mặt cầu là 134,70m. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ, hình dạng này rất đẹp và thanh thoát, không như hình cữ H xoạc cẳng, trụ có biểu tượng như hai bàn tay chắp lại vái lên trời với tâm linh của người Á Đông.
Mặt cắt ngang thân trụ
Hình dạng trụ tháp
- Kết cấu phần trên: Nhịp dây văng có chiều dài 550m giữa hai trụ tháp, có tĩnh không thông thuyền cao 39m (với chiều rộng tương ứng 200m) đảm bảo cho tầu 10.000DWT qua lại thường xuyên.
- Kết cấu mặt cầu là dầm hộp bê tông cốt thép đúc tại chỗ mác 50Mpa, mặt cắt ngang là hình thang ngược gồm 4 khoang, đáy ở trên có chiều rộng 26,0m và chiều cao là 2,70m. Vì chiều dài nhịp 550m là khá dài đối với cầu dây văng, nên để giảm bớt tải trọng của nhịp chính, đoạn giữa của cầu 210m được kết cấu bằng dầm hộp thép chế tạo sẵn và lắp ghép với dầm bê tông cốt thép đã được đúc tại chỗ. Chính ở chỗ mối nối giữa dầm bê tông cốt thép và dầm thép phải thiết kế đặc biệt theo mô hình phần tử hữu hạn (FEM) để chuyển tiếp ứng suất giữa hai loại vật liệu có độ cứng và đàn hồi khác nhau
- Hệ dây văng khác với phương pháp truyền thống là các sợi thép bện thành tao rồi kéo và neo tùng tao trước khi cố định cả bó cáp dây văng. Ở đây toàn bộ bó cáp dây văng được chế tạo sẵn trong nhà máy rồi căng kéo và neo trên công trường chứ không phải kéo từng tao. Tất nhiên thiết bị và công nghệ căng kéo là mới và được áp dụng lần đầu tiên ở nước ta.
Những thông tin cập nhật của dự án:
- Tính đến nay (12-2006) dự án đã đi được vừa tròn nửa đoạn đường xây dựng. Tuy nhiên các gói thầu đã không cùng tiến bước nhịp nhàng. Gói thầu 2 do các nhà thầu Nhật Bản thi công, với phong cách quản lý điều hành chính quy hiện đại đã đạt được khoảng 45% khối lượng và vượt qua giai đoạn khó khăn phức tạp của giai đoạn đầu, thi công phần móng trụ hầu như đã hoàn tất và 2 trụ tháp đã xây dựng đạt tới cao trình mặt cầu. Khả năng sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu chính đúng tiến độ vào thánh 12-2008 và có thể sớm hơn. Gói thầu số 3 do nhà thầu Trung Quốc thi công, đến nay mới chỉ đạt khoảng 25% khối lượng, chậm một nửa thời gian yêu cầu, nếu không sớm khắc phục thì có thể không đạt mục tiêu đề ra là hoàn thành vào tháng 11-2008. Gói thầu 1 do các nhà thầu Việt Nam thi công, đên nay mới chỉ đạt không quá 12%, quá chậm và khả năng rất có thể không hoàn thành tiến độ đề ra vào tháng 8-2008. Tình trạng này có thể lặp lại giống như cầu Bãi Cháy, cầu chính thi công xong nhưng phải chờ đường vào cầu chưa thi công xong.
Trụ tháp bờ Bắc đang thi công tới cao trình mặt cầu
(Ảnh chụp ngày 02-12-2006)
- Dự án cầu Cần Thơ được nghiên cứu khả thi từ những năm 90 cuối thế kỷ trước nên đã không dự đoán trước được quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Cần Thơ (lúc đó là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang). Dự án lúc đó đã vạch tuyến tránh xuyên tâm thành phố và đi về phía hạ lưu cách bến phà 3,2km, qua một vùng ngoại vi thuộc huyên Châu Thành nay là Quận Cái Răng. Do đó khi bắt đầu thi công thì thành phố được nâng cấp trực thuộc trung ương và quy hoạch phát triển về phía nam một khu đô thị mới với quy mô hiện đại. Lúc này tuyến đường của dự án trở thành xuyên tâm qua thành phô mới, do đó đang phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
- Dự án cầu Cần Thơ hoàn thành trong bối cảnh có nhiều dự án có liên quan đã và đang triển khai như tuyến Nam Sông Hậu, đường 91 B, dự án cao tốc Sài Gòn – Trung Lương và giai đoạn 2 cho đường cao tốc Sài Gòn - Mỹ Thuận, Sài Gòn - Cần Thơ sẽ triển khai góp phần nâng cao hiêu quả ủa dự án.
(Theo tư liệu của Viện Khoa học & Công nghệ Giao thông Vận tải )