Thư gởi các nhà báo :
Người Sài Gòn
(Nhân sự kiện các báo An Ninh Thủ Đô, Hà Nội Mới, Đài PT-TH Hà Nội ngày 26/1/2008 đưa tin sai sự thật về Cuộc cầu nguyện của giáo dân Hà Nội tại Tòa Khâm Sứ ngày 25/1/2008)
Gửi các nhà báo Việt Nam,
Tôi là một trong hàng triệu độc giả báo chí, hàng ngày vẫn tìm đến các phương tiện thông tin như đến với một người bạn đường đáng tin cậy và thân thiết.
Tôi cũng là một Kitô hữu. Như mọi anh em đồng đạo, hàng ngày tôi vẫn đọc và suy gẫm Lời Chúa- Lời của Sự Thật và Sự Sống Đời Đời- đồng thời đọc những lời của đời sống do báo chí và văn chương đem lại.
Nhờ lời của đời sống, tôi nhận biết cuộc đời đang cần những gì từ Lời của Sự Thật và Sự Sống.
Bởi vậy, tôi viết thư này gửi các nhà báo VN, những con người đang mang trọng trách nói thật mọi sự thật đang diễn ra trong đời sống con người hiện nay. Nói thật mọi sự thật và đưa thông tin nhanh chóng đến công chúng, đặng mọi người được thông hiểu mọi sự kiện đang diễn ra trên đất nước ta và thế giới. Đó là thiên chức của mọi nhà báo- báo chữ, báo hình, báo tiếng.
Nhà báo, người nói Lời của Đời, nên tôi rất kính trọng và tin tưởng.
Tuy nhiên qua nhiều sự kiện, vụ việc, lòng tin tưởng của tôi vào giới công chức-nhà báo (tôi muốn nói về các nhà báo ăn lương Nhà nước, để phân biệt với các nhà báo tự do, không do Nhà nước quản lý) đã giảm sút nghiêm trọng, nhất là qua những biến cố của hơn một tháng qua. Nào sự kiện thanh niên Hà Nội và TP HCM biểu tình, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Và đặc biệt, sự kiện giáo dân Hà Nội ôn hòa yêu cầu nhà cầm quyền trả lại những phần đất của Giáo Hội bị Nhà Nước chiếm đoạt cách phi nghĩa và phi pháp.
Trước những sự kiện mà tin tức loang ra rất nhanh trên cả nước và khắp thế giới, tất cả mọi tờ báo và các đài phát thanh-truyền hình nước ta đều im hơi lặng tiếng.
Quý “đồng chí” nhà báo, các “đồng chí” ở đâu trong đời sống nhân dân?
Câu hỏi này có lẽ xúc phạm đến nhà báo.
Mà thật là xúc phạm, khi vẫn biết hàng ngày mọi phóng viên đều tỏa đi các nơi thu thập tin tức, viết bài, đưa tin, hướng dẫn dư luận. Đó là công việc đã được ấn định cho một nhà báo. Cho nên không thể không có bài đăng báo. Muốn có bài thì phải đi thực tế. Bởi vậy đặt câu hỏi ở đâu trong đời sống nhân dân có lẽ đã xúc phạm đến ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần chấp hành mệnh lệnh công tác của viên chức - nhà báo.
Bởi vì các nhà báo cũng còn là công chức Nhà nước.
Người công chức được Nhà nước trả lương để thực thi nhiệm vụ quốc gia nên phải làm tròn chức trách. Chức trách của nhà báo là thông tin cho đại chúng về đời sống của đất nước, nên đặt câu hỏi ở đâu trong đời sống nhân dân thì vừa xâm hại uy tín nhà báo đồng thời gây tổn hại thanh danh Nhà nước, người bổ nhiệm nhà báo vào chức trách phản ánh đời sống nhân dân.
Nhưng tôi không thể không đặt câu hỏi, vì trong những sự kiện vừa nêu, đã không thấy có bất kỳ sự phản ánh nào của một nhà báo được Nhà nước trả lương bằng thuế của nhân dân đóng góp.
Như vậy, hoặc nhà báo không chu toàn nhiệm vụ, hoặc Nhà nước thiếu kiểm tra đôn đốc nhà báo đi làm nhiệm vụ, không được bê trễ.
Điều đó có nghĩa là, hoặc nhà báo không đi thực tế - nếu vậy Nhà nước thiếu bổn phận đôn đốc, hoặc có đi thực tế, nắm bắt sự kiện, nhưng không viết bài, đưa tin – nếu vậy, Nhà nước chưa huấn luyện nhận thức, kỹ năng, sự nhạy bén để người phóng viên có đủ năng lực phản ánh đời sống.
Nếu loại trừ hai giả thiết trên, thì chỉ còn khả năng nhà báo có đi thực tế, nắm bắt tình hình rõ rệt, đầy đủ, nhưng nếu đưa tin về nhân dân thì bất lợi cho nhà nước, nhất là trong trường hợp sự kiện đang diễn ra hàm chứa mâu thuẫn giữa Nhà nước và nhân dân, có xung đột giữa quyền lợi của nhân dân và sự đáp ứng của Nhà nước.
Như vậy đặt câu hỏi nhà báo ở đâu trong đời sống nhân dân, cũng chính là tra vấn nhà báo: “đồng chí đứng về phía nhân dân hay nhà nước?”.
Câu hỏi càng quyết liệt hơn nếu nhìn lại sự kiện giáo dân Hà Nội ôn hòa yêu cầu nhà cầm quyền trả lại những phần đất của Giáo Hội bị Nhà Nước chiếm đoạt cách phi nghĩa và phi pháp.
Không một tờ báo nào đưa tin, dù chỉ một dòng ngắn ngủi.
Thế mà cả thế giới đều biết diễn biến của sự việc kéo dài suốt từ đêm 18-12-2007, đến nay đã hơn 5 tuần.
Nếu cho rằng những giáo dân đang tụ tập cầu nguyện bất hợp pháp kia không phải/không còn là nhân dân nữa, thì chí ít cũng phải đưa vào loại tin “vụ án”, “hình sự” như các báo đã từng làm, và làm rất có nghề, về các loại tội phạm.
Vậy mà, các báo đều im hơi lặng tiếng.
Một “sự im lặng đáng sợ”.
Sự im lặng này cho thấy Nhà nước rất cân nhắc lợi hại trong các tin do nhà báo đưa. Nhà báo đưa tin phải có lợi cho Nhà nước, đó chính là yêu cầu và ưu tiên số một của Nhà nước đối với nhà báo. Nhược bằng bất lợi, có hại thì phải ngưng ngay.
Lợi ích của Nhà nước, nói một cách chính xác là lợi ích của nhà cầm quyền, nói rõ ràng hơn là của giai cấp thống trị, phải được đưa lên hàng đầu.
Còn sự thật đời sống thì không phải là điều cần bận tâm.
Vì thế, hỡi các nhà báo đang làm việc trong các cơ quan ngôn luận của Nhà nước, hãy xác định cho rõ chức trách của mình:
- nhà báo là người cầm bút phản ánh đời sống?
- nhà báo là người cầm bút viết theo chỉ đạo có lợi cho nhà cầm quyền/ giai cấp thống trị?
Tất nhiên các vị sẽ trả lời dõng dạc: Tôi viết theo luơng tâm. Tôi nhận lệnh từ trái tim. Tôi chỉ có một sự vâng phục duy nhất trước tiếng nói của sự thật.
Nhưng thưa quý vị,
Lương tâm ở đâu, khi quý vị đều thấy rõ- nếu có mặt tại hiện trường, hoặc sẽ khó mà ngờ vực- nếu xem những phút phim quay nóng tại chỗ cảnh giáo dân cầu nguyện trong ôn hòa và cảnh bảo vệ/nhân viên an ninh rượt đánh người. Vậy mà ngòi bút của những nhà báo ANTĐ, HNM, PT-TH HN lẽ nào lại viết hoàn toàn ngược lại.
Trái tim ở đâu, khi quý vị chỉ biết “rung động” trước mệnh lệnh của thủ trưởng cơ quan và lãnh đạo thành phố, còn làm ngơ hoặc không thèm đếm xỉa đến đối tượng còn lại- giáo dân đang cầu nguyện, giáo sĩ đang thỉnh cầu.
Sự thật ở đâu, khi quý vị chỉ nhìn từ một phía- phía của người có quyền, còn nửa kia của sự thật- phía của giáo dân Hà Nội, quý vị đã đối xử với nó như thế nào qua các bài đăng tải ngày 26-1-2008?
Quý “đồng chí” nhà báo, các “đồng chí” đã tiếp cận đời sống như thế nào?
Tôi chỉ là một người đọc báo, không được đào tạo và không làm nghề báo. Nhưng khi nhìn lại mình đã đọc báo như thế nào, cần gì trong những bài báo, tôi đã hình dung công việc của người viết báo.
Đó là người sống gắn với đời, mong muốn thông tin về đời cho bạn đọc, cố gắng tìm hiểu cuộc đời từ nhiều hướng tiếp cận, cốt sao ghi lại trung thực những tin tức nóng hổi của đời sống với những diễn biến đúng thực tế…
Những diễn biến xung quanh sự kiện giáo dân yêu cầu nhà đương cục hoàn trả đất Tòa Khâm sứ cho Giáo Hội đã cho thấy có ba khía cạnh phải đưa tin:
- Quá trình Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đệ đạt nguyện vọng.
- Quá trình giáo dân bày tỏ quan điểm và ước nguyện được nhận lại đất đã bị chiếm bằng việc cầu nguyện bền bỉ trong ôn hòa.
- Quá trình chính quyền Hà Nội xem xét nguyện vọng của giáo dân và hàng giáo phẩm.
Thế mà các nhà báo đưa tin đã chỉ làm một việc mà bất kỳ học sinh tiểu học nào cũng có thể làm trong 60 phút: sao chép công văn của UBND TP Hà Nội gửi Tòa TGM Hà Nội. Nếu có gia công cho đúng mẫu văn bản báo chí, ra vẻ làm báo, theo thể thức một bài báo, cho có sự khác biệt với văn bản hành chánh-công vụ, thì chỉ cần thêm vài tiểu tiết- như mấy ngày qua có báo đã làm- ví dụ: Theo nguồn tin riêng của báo…
Đến đây có thể thấy nghiệp vụ báo chí của các phóng viên ăn lương Nhà nước thực thi triệt để mẫu hình thống nhất của thể chế công vụ:
- sự thống nhất về ý chí, tinh thần và hình thức thể hiện của các cơ quan Nhà nước- ở đây là cơ quan chính quyền Hà Nội và cơ quan báo chí (một bên viết công văn, bên kia sao lại làm bài báo).
- sự thống nhất về mục tiêu: mọi cơ quan Nhà nước phải chăm lo bảo vệ và củng cố quyền lực chính trị (do đó báo chí- một cơ quan nhà nước- phải nhất mực bảo vệ mọi ý kiến, quan điểm, quyết định của nhà cầm quyền, không thể thông tin nhiều chiều, không thể phản biện Nhà nước nếu có xuất hiện sự mâu thuẫn, xung đột, dị biệt giữa Nhà nước/kẻ cầm quyền và các bộ phận khác trong cơ cấu xã hội).
Như vậy con đường tiếp cận với các nguồn tin đều xuất phát từ ý muốn của lãnh đạo, kẻ cầm quyền. Không thể đưa tin nếu tin sẽ đưa chưa đúng ý hoặc không hài lòng lãnh đạo. Không thể viết bài nếu lãnh đạo chưa bật đèn xanh.
Báo không thể có quan điểm riêng khi lãnh đạo đã phát biểu, đặc biệt đối với những vấn đề “nhạy cảm” như tôn giáo. Đề tài tôn giáo bấy lâu nay được mặc nhiên xếp vào loại “cấm kỵ”, không có chỗ thảo luận, phản biện. Nhà cầm quyền giành cho mình quyền phát biểu và ý kiến của họ được coi là chân lý, không thể nói khác, không thể đảo ngược. Sự có mặt trên diễn đàn tôn giáo của các nhà nghiên cứu, hoạt động đoàn thể (Quốc Hội, Mặt trận Tổ Quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo…) chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, trang trí cho có vẻ tự do.
Tính chất độc tài và thủ tiêu tự do ngôn luận được lộ rõ trong trường hợp này.
Làm sao các báo ở thủ đô có thể nói khác quan điểm với bà Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề đất đai và về những việc khác của Công giáo Hà Nội?!
Dù chỉ là một bà phó chủ tịch của một địa phương nhưng cũng đủ uy quyền có thể sai khiến cả một đội quân cầm bút đang chịu sự quản lý của Nhà nước địa phương.
Tuy nhiên tôi vẫn giữ lòng tin vào “thiên lương” của các nhà báo chân chính.
Bởi vì, trong bao nhiêu năm tháng phải sống và viết trong một điều kiện và hoàn cảnh mất tự do, chịu sự lãnh đạo, kiểm soát tư tưởng ngặt nghèo, nhiều tờ báo và không ít ngòi bút đã dũng cảm đương đầu với bạo quyền, đã khôn ngoan và đầy biến báo linh hoạt, đã rất mưu lược khi tìm cách viết bài, đưa tin, phanh phui nhiều sự việc động trời, khơi lên cho độc giả khát vọng sự thật, nuôi dưỡng niềm tin vào công lý của nhân dân. Tôi thực lòng tri ân các nhà báo can trường và tài giỏi này.
Chính các vị, những nhà báo can trường, đã cho thấy một sự thật hiển nhiên: khi đã được tình yêu và lòng tin vào Sự thật và Công lý thúc đẩy, thì không gì có thể bẻ cong ngòi bút, không sức mạnh nào có thể làm cho sự thật bị xuyên tạc trong những dòng chữ mạnh mẽ của nhà báo.
Do đó, thưa các công chức làm báo, mỗi khi cầm bút, ngồi trước trang giấy trắng/màn hình còn trống trơn, các vị hãy nhìn ngòi bút/bàn phím của mình. Ngòi bút không thẳng khi người cầm bút chưa thể nhìn thẳng. Bàn phím không ngay hàng thẳng lối khi tư tưởng, ý nghĩ còn nhuốm nỗi sợ kẻ quyền uy.
Các vị cũng đừng quên, bao lâu chưa thể làm nhà báo tự do, còn phải nhận lương từ ngân sách Nhà nước, sống thân phận công chức, các vị chớ quên đồng tiền trả lương cho mình là từ tiền đóng thuế của nhân dân. Hãy làm việc, viết lách cho xứng đáng với đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, đừng thêm rồng vẽ rắn vào bài viết cho đẹp lòng lãnh đạo.
Đến đây, tôi nhớ nhà văn Nguyễn Minh Châu quá cố. Năm xưa, lúc sinh thời, nhà văn viết một bài báo lẫy lừng, đánh dấu sự khởi đầu của thời kì đổi mới văn học cũng đồng thời đổi mới đất nước. Nhan đề của bài báo là:
HÃY ĐỌC LỜI AI ĐIẾU CHO MỘT NỀN VĂN NGHỆ MINH HỌA.
Xin mượn ý và chữ nghĩa của Nguyễn Minh Châu để nói với những nhà báo chân chính và cả những nhà báo chưa thể sống chân chính của nước ta, nhân sự kiện các báo An Ninh Thủ Đô, Hà Nội Mới, Đài PT-TH Hà Nội ngày 26/1/2008 đưa tin sai sự thật về Cuộc cầu nguyện của giáo dân Hà Nội tại Tòa Khâm Sứ ngày 25/1/2008, rằng:
HÃY ĐỌC LỜI AI ĐIẾU CHO MỘT NỀN BÁO CHÍ TAY SAI, BẺ CONG NGÒI BÚT.
Nguồn: DCCT Việt Nam