Xã hội luôn không ngừng biến đổi, dù là xã hội của một thế chế độc tài khép kín chứ chẳng riêng xã hội của thể chế tự do cởi mở. Động thái mới đây của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã nói lên điều đó. Còn tại Việt Nam, hiến pháp 1992 cho đến nay đã được 15 năm. Trong 15 năm đó, Hiến pháp 1992 đã bộc lộ những bất cập do xã hội Việt Nam không ngừng biến đổi. Nhân dân thấy rõ những điều ấy, vì nó tác động trực tiếp lên toàn bộ đời sống xã hội và nhân dân cũng đang mong chờ Quốc Hội sửa đổi để có một Hiến pháp phù hợp hơn. Đó cũng chính là lý do tồn tại một Quốc Hội của dân, do dân, vì dân. Thế nhưng, khát vọng chính đáng ấy đang bị Quốc Hội bỏ qua. Xin giới thiệu bài phân tích của tác giả Tạ Phong Tần.
Ông Uông Chu Lưu- Phó Chủ tịch QH cho rằng “cần chờ Đại Hội Đảng toàn quốc để sửa đổi cương lĩnh, trên cơ sở đó, đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp…”, “Như vậy, sau rất nhiều ý kiến đề nghị của UBTVQH, việc sửa đổi Hiến pháp không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII”. (Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/10/2007).
Ông Lưu còn nhấn mạnh “Nguyên tắc của chúng ta là trước khi sửa đổi Hiến pháp phải có ý kiến của Trung ương”, “Việc sửa đổi cương lĩnh thế nào có liên quan chặt chẽ đến sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, nếu bây giờ sửa đổi một số nội dung của Hiến pháp, sau này sửa đổi cương lĩnh Đảng lại phải sửa Hiến pháp một lần nữa là không nên”.
Ông Nguyễn Văn Thuận-Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội phát biểu: “Hiến pháp thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng”. (Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/10/2007).
Lời phát biểu của hai quan chức cao cấp của Quốc Hội này sao mà khó nghe quá, đầy mâu thuẫn và trái luật.
.
Đảng to hơn Hiếp pháp và pháp luật hay ngược lại?
Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung ngày 25/12/2001), Phần lời nói đầu khẳng định: “Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”.
Điều 4 Hiến pháp cũng quy định: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Lật lại Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng thấy ghi rõ: “Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Phần “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng”).
“Trong khuôn khổ” nghĩa là gì?
Từ điển tiếng Việt giải thích: “trong” (trong ngoài) có nghĩa là:
1. Tại một nơi coi là tương đối kín hay hẹp. Ví dụ: Trời mưa trẻ con chơi trong nhà; Thuyền nhỏ chỉ đi được trong sông, ra biển sợ nguy hiểm.
2. Không quá một số lượng, giới hạn đã được qui định (của không gian, thời gian), một phạm vi trừu tượng. Ví dụ: Cơ quan chỉ tiếp khách trong giờ chính quyền; Đi bộ trong trong năm cây số, đã mệt lắm đâu; Ngày giỗ chỉ mời người trong họ.
Từ khuôn khổ có hai nghĩa:
1. Là hình dạng và kích thước (nói khái quát). Ví dụ: Tấm kính vừa vặn với khuôn khổ của bức tranh.
2 Phạm vi được giới hạn chặt chẽ. Ví dụ: Khuôn khổ của một bài báo. Tự khép mình vào khuôn khổ của kỷ luật.
Như vậy, cái được đặt “trong” bao giờ cũng bị giới hạn và nhỏ hơn, không được vượt ra ngoài phạm vi giới hạn đó. Do đó, có thể hiểu “Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì Đảng là vật đặt bên trong, Hiến pháp và pháp luật là cái khuôn, cái vòng giới hạn bao quanh bên ngoài. Đảng không được to hơn, vượt ra ngoài phạm vi “cái khuôn” Hiến pháp và pháp luật. Nếu nói theo ngôn ngữ toán học thì Đảng là “tập hợp con” của Hiến pháp và pháp luật. Ký hiệu như sau: Đảng Є Hiến pháp và pháp luật.
Suy ra, Đảng nhỏ hơn, thấp hơn Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tuân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật chớ Hiến pháp và pháp luật không được quyền bẻ theo Đảng; vì bẻ theo như vậy không những vừa vi Hiến, vi phạm pháp luật mà còn trái với Điều lệ Đảng.
Nhà nước pháp quyền hay Nhà nước Đảng quyền?
Điều 2 Hiến pháp ghi nhận: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam giải thích nhà nước pháp quyền là “khái niệm chỉ về nội dung dân chủ của nhà nước. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã xuất hiện từ thời kỳ cổ đại, nhưng thuật ngữ nhà nước pháp quyền xuất hiện muộn hơn. Thuật ngữ này không được dùng trong sách báo Anh - Mỹ. Trong tiếng Anh người ta thường dùng một khái niệm tương tự - Rule of Law (Sự ngự trị của pháp luật).
Ngày nay, khi nói tới nhà nước pháp quyền trước hết là nói đến sự ngự trị của pháp luật trong đời sống xã hội và chính trị với tính cách là ý chí của nhân dân và có giá trị phổ biến.
Có thể thấy hai khía cạnh của nhà nước pháp quyền:
1) Pháp lý hình thức: tức là sự ngự trị của pháp luật, sự ràng buộc bởi pháp luật đối với nhà nước và tất cả các thành viên của xã hội (hay nói cách khác, đây là yêu cầu bảo đảm pháp chế trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật);
2) Nội dung pháp lý: tức là bản thân pháp luật phải bảo đảm yêu cầu khách quan thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền với nội dung cơ bản là xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nguyên tắc thống nhất quyền lực và có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bổ sung nhà nước pháp quyền vào điều 2, Hiến pháp 1992”.
Theo tôi, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước mà tất cả mọi người đều phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật hay chà đạp lên pháp luật... …Vì vậy, không thể thay thế luật bằng bất cứ hình thức gì khác. (Tạ Phong Tần- báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/02/2006). Nhà nước pháp quyền hiểu theo cách đơn giản là một Nhà nước quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật.
Điều 83 Hiến pháp khẳng định:
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.
Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân”.
Là “đại biểu cao nhất của nhân dân”, tức đại diện cho hơn 84 triệu người Việt Nam, có quyền “quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân”; Nhà nước của dân, do dân, vì dân nên sửa đổi Hiến pháp phải theo ý chí, nguyện vọng của dân (thông qua các Đại biểu Quốc Hội). Vì vậy, Quốc Hội phải có quyền quyết định trong việc sửa đổi hay không sửa đổi Hiến pháp, sao lại phải chờ xin ý kiến của Đảng là một tổ chức chính trị-xã hội nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật???
Quốc Hội sửa đổi Hiến pháp, sau đó Đảng sửa đổi cương lĩnh cho phù hợp với Hiến pháp chớ không thể có chuyện ngược đời là Hiến pháp phải sửa đổi theo cương lĩnh của Đảng.
Khi phát biểu “Nguyên tắc của chúng ta là trước khi sửa đổi Hiến pháp phải có ý kiến của Trung ương”, chẳng biết ông Lưu nói với tư cách là Đảng viên giữ chức vụ trong Đảng hay tư cách Phó Chủ tịch Quốc Hội? Tuy nhiên, đây là phát biểu trong kỳ họp chính thức của Quốc Hội, tức tại cơ quan lập pháp, làm cho người nghe bắt buộc phải nghĩ rằng ông Lưu đang thực thi nhiệm vụ do Quốc Hội (nhân dân) giao phó nhưng lại không đứng về phía đại diện cho quyền lực của nhân dân mà là theo quyền lực Đảng của ông.
Cái “chúng ta” ở đây ông Lưu muốn ám chỉ là ai? Là Quốc Hội chăng? Chắc chắn là vậy vì ông đang lấy tư cách Phó chủ tịch Quốc Hội nói trong cuộc họp Quốc Hội mà. Vậy cái “nguyên tắc” “trước khi sửa đổi Hiến pháp phải có ý kiến của Trung ương” ở đâu ra? Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam không hề có quy định này, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có quy định này. Giả sử, nếu Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định thì cũng phải sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; vì Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật nên Đảng không có quyền ban hành quy định ngược bắt Hiến pháp và pháp luật tuân theo mình.
Ông Nguyễn Văn Thuận, đường đường là Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội (tất phải có trình độ am hiểu pháp luật hơn người dân bình thường) lại còn hùng hồn khẳng định bổ sung lời ông Uông Chu Lưu: “Hiến pháp thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng”. Tôi lật tìm toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam cũng không thể thấy câu “Hiến pháp thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng” được ghi nhận ở chổ nào.
Đáng buồn nhất là Quốc Hội lại đồng thuận “sửa đổi Hiến pháp không được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XII” vì… Đảng chưa cho phép, thì vô tình các vị đã làm cho người dân có cảm giác Đảng ta ngồi trên Hiến pháp và pháp luật mất rồi.
Than ôi! Hai ông Uông Chu Lưu, Nguyễn Văn Thuận là đại biểu cấp cao, giữ chức vụ to trong cơ quan lập pháp cao nhất, đang thay mặt 84 triệu dân bàn chuyện quốc gia đại sự, Nhà nước pháp quyền mà không thấy hai vị bàn chuyện quản lý và điều hành xã hội bằng pháp luật, chỉ toàn phát biểu chuyện Đảng (mà lại trái Hiến pháp và pháp luật mới chết chứ); thì dân ngu khu đen như tôi phải hiểu đây là Nhà nước pháp quyền hay Nhà nước Đảng quyền???
Tạ Phong Tần
Liên kết ngoài :
Blog CÔNG LÝ & SỰ THẬT