Lời chúc tết từ ngục tối




Qua con trai là Nguyễn Trí Dũng, ông Điếu Cày từ phòng biệt giam của trại tù Chí Hòa, đã gửi lời cám ơn đến tất cả các cơ quan truyền thông, các báo đài quốc tế, các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới, các anh chị em, bằng hữu xa gần đã nhiệt thành ủng hộ trao giải thưởng và lên tiếng bênh vực cho trường hợp của ông.

Nhân dịp Năm mới Kỷ Sửu, ông Điếu Cày chân thành chúc cho Dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai tốt đẹp, tươi sáng. Chúc phong trào Dân Chủ của Việt Nam vững vàng tiến bước. Chúc tất cả các anh chị em giữ ngọn lửa yêu nước nồng nàn.

Chúc tất cả các anh chị em trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do và các blogger luôn giữ ngòi bút ngay thẳng trong sáng , giữ khí tiết và lòng can trường trước mọi hoàn cảnh. Đặc biệt ông gửi lời cám ơn đến chị Phương Thy ở hải ngoại đã đại diện ông để nhận thay giải Nhân quyền 2008 do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao tặng ngày 14/12/2008.

Hiện tại, dù bản án của phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án, ông Điếu Cày vẫn bị biệt giam như còn trong giai đoạn hỏi cung, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Để giữ tinh thần minh mẫn, ông Điếu Cày làm thơ và dùng những túi nylon gói đồ mà thân nhân gửi thăm nuôi để se sợi, kết thành những chiếc nhẫn rất chắc chắn, xinh đẹp. Điều đáng lưu ý là ông còn bị 3 tên tù "đại bàng" giam chung phòng suốt ngày đêm gây sự để có cớ đánh đập ông. Xin mọi người tiếp tục lên tiếng cho nhà Dân báo Điếu Cày.

Trung Quốc có thể sụp đổ?





Trần Khải

Trung Quốc có thể sụp đổ hay không? Nếu có cơ sụp đổ như thế, phải là do một áp lực lớn, gay gắt, dữ dội và mãnh liệt nhiều lần hơn phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989.

Hẳn nhiên, không ai nghĩ rằng Đài Loan sẽ đưa quân vào chiếm lục địa. Cũng không thể có chuyện nổi dậy ở Tây Tạng, Tân Cương. Cũng không có bàn tay phù phép CIA nào có thể làm nhà nước Bắc Kinh sụp đổ. Nhiều phần có thể suy đoán, rằng sụp đổ hay biến đổi bản chất phải là tự trong lòng chế độ. Có thể là sẽ có một Gorbachev, hay một Yeltsin... Cũng có thể là dân đói và nổi loạn... Cũng có thể tự Đảng CSTQ tách làm đôi vì cơ duyên nào đó, và rồi không thể hàn gắn...

Nhưng đối với nhiều nhà nghiên cứu tại các đại học Hoa Kỳ, nếu TQ sụp đổ nhiều phần sẽ là do tham nhũng quá độ.

Nhà khoa học chính trị Minxin Pei (*) đã viết một bản nghiên cứu do viện Carnegie Endowment of International Peace, bản doanh ở Washington, phổ biến tháng trước. Họ Pei là nhà khoa học chính trị tốt nghiệp ở đại học Shanghai International Studies University tại Thượng Hải, rồi có bằng Tiến Sĩ ở Đại Học Harvard và có các tác phẩm in tại Mỹ.

Bản khảo sát khẳng định rằng tham nhũng tại Trung Quốc “đã có ảnh hưởng tràn qua biên giới” và làm thiệt hại các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác.

Bản văn viết, “Hành vi bất hợp pháp của các cán bộ địa phương có thể làm các công ty Tây Phương thiệt hại lớn về môi trường, nhân quyền và tài chánh.”

Không phải Pei là người duy nhất đưa ra tiên đoán đó. George Zhibin Gu, một chuyên gia ngân hàng đầu tư tốt nghiệp ở đại học Nanjing University và đậu bằng Tiến Sĩ ở University of Michigan, đã nhận xét rằng tham nhũng có thể phá hủy kinh tế TQ.

Không phải chỉ các chuyên gia tại Mỹ mới nói như thế. Bản tin Reuters hôm 06/01/2009 nhan đề “China faces wave of unrest in 2009” (TQ đối diện làn sóng bất ổn trong năm 2009) cũng ghi nhận rằng Đảng CSTQ cũng thấy cơ nguy sụp đổ.

Bản tin viết rằng báo nhà nước Liaowang Magazine, phát hành bởi thông tấn nhà nước Xinhua, đã cảnh báo thẳng thừng về bất ổn năm 2009 vì sẽ tăng vọt các cuộc biểu tình, khi thất nghiệp lên cao làm bất mãn giới công nhân nhập cư và sinh viên đại học.

Phóng viên kỳ cựu Huang Huo của Xinhua nói trên báo này rằng, “Không ngờ vực gì, bây giờ chúng ta đang vào thời kỳ đỉnh điểm của sự cố đám đông.” Kiểu nói bí hiểm “sự cố đám đông” (mass incidents) là kiểu nói để chỉ các cuộc biểu tình và nổi loạn.

Bài báo viết, “Năm 2009, xã hội TQ có thể đối diện thêm nhiều mâu thuẫn và xô xát và các chuyện này sẽ thách thức thêm các khả năng lãnh đạo của mọi cấp cán bộ của Đảng và Nhà Nước."

Đe dọa lớn nhất cho ổn định TQ sẽ tới từ sinh viên đại học ra trường, gặp thị trường việc làm co cụm và đồng lương khó khăn hơn, và từ một làn sóng thợ nhập cư những người đã mất việc làm vì các hãng xưởng làm hàng xuất khẩu bị đóng cửa.

Tình hình nhiều tháng nay đã có nhiều hãng xưởng đóng cửa, và các trở ngại an sinh xã hội đã khởi sinh ra nhiều đợt biểu tình gần đây. Cán bộ các tỉnh nơi đã cung cấp việc làm cho hàng chục triệu công nhân nhập cư tại các hãng xưởng ở các tỉnh ven biển, bây giờ báo cáo có bước tăng vọt số người về lại làng quê sau khi mất việc và không tìm ra việc mới.

Thống kê nhà nước TQ ước tính là gần 10 triệu công nhân từ làng lên tỉnh nhập cư đã mất việc, theo bài báo, nhưng không nói rõ thời gian các việc này khai sinh.

Khi tính cả sinh viên tốt nghiệp năm 2008 và chưa tìm được việc, sẽ có hơn 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay đi tìm việc làm, theo ước tính của Huang.

Bài báo nói mục tiêu chính phủ TQ là đạt mức tăng thường niên GDP ở mức 8% cho năm 2009, thì chỉ tạo ra được 8 triệu việc làm cho cả nước. Trong năm 1989, chính các sinh viên bất mãn đã làm nòng cốt cho các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Huang viết, “Nếu trong năm 2009, có nhiều lao động nhập cư thất nghiệp không tìm việc được trong vòng nửa năm hay lâu hơn, cứ đi vòng quanh thành phố với không có đồng lương nào trong túi, thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn.”

Huang là Trưởng Phòng Xinhua tại thành phố Chongqing.

Có thể Trung Quốc sẽ sụp đổ? Vì tham nhũng, vì thất nghiệp, vì ý thức dân chủ của người dân, hay vì nhiều yếu tố gộp lại?

Có một hiệu ứng cơ may sẽ thấy là: nếu Trung Quốc sụp đổ, nhà nước CS Việt Nam sẽ có thể sụp đổ dây chuyền...

Nguồn: DCVOnline

DB Cao Quang Ánh: Tự do, Dân chủ, Nhân quyền ở VN là những điều đáng lưu tâm





Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
2009-01-07

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Dân biểu Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ, ông Cao Quang Ánh đã dành cho đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặt biệt, đề cập đến chương trình hoạt động của ông trong thời gian tới.

Sáng thứ Ba 6-1-2009, các tân Dân biểu và Thượng nghị sĩ Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ đã giơ tay tuyên thệ nhậm chức trước khi khoá họp thứ 111 bắt đầu.

Trong số những vị dân cử Mỹ năm nay, có ông Cao Quang Ánh, vị dân cử Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử Hạ Viện, đại diện cho đơn vị 2 bang Louisiana. Ông Tân Dân Biểu đã dành cho Nguyễn Khanh của Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, Ban Việt Ngữ chúng tôi xin được chúc mừng ông tân Dân Biểu.

DB Cao Quang Ánh: Cám ơn anh Khanh.

Chương trình hoạt động

Nguyễn Khanh: Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là khi giơ tay tuyên thệ nhậm chức, ông Dân Biểu nghĩ gì trong đầu?

DB Cao Quang Ánh: Thưa nói chung, một phần về gia đình, một phần về Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại và một phần nữa cho đơn vị 2 mà tôi đại diện ở bang Louisiana.

Nguyễn Khanh: Trước hết, xin nói về đơn vị ông Dân Biểu đại diện. Kế hoạch phục vụ của ông Dân Biểu trong 2 năm sắp đến như thế nào?

DB Cao Quang Ánh: Bắt buộc tôi phải chú ý đến những đòi hỏi của cử tri đơn vị 2. Những đòi hỏi đó gồm có hệ thống giáo dục, y tế, cùng với lại những hệ thống bờ đê. Tôi hy vọng trong 2 năm tới sẽ vận động được những ngân khoản để giúp xây dựng lại những điều mà tôi vừa trình bày.

Nguyễn Khanh: Với cộng đồng Việt Nam nhất là cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, ông Dân biểu là vinh dự của mọi người, và cộng đồng đặt rất nhiều niềm tin vào ông Dân Biểu. Chắc ông Dân Biểu cũng thấy điều đó?

DB Cao Quang Ánh: Vâng. Tôi có dịp trả lời nhiều cuộc phỏng vấn với các đài phát thanh và báo chí Việt Nam. Tôi cũng biết đây là một chức vụ, một niềm hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam của chúng ta ở đây.

Với tôi cuộc tranh cử và thắng cử này không phải là thắng cử của một người, mà là thắng cử của cả cộng đồng ở hải ngoại. Ngoài ra khi làm việc cho đơn vị 2 ở Louisiana, tôi cũng hy vọng đóng góp một phần nào cho những đòi hỏi của Cộng Đồng Việt Nam của chúng ta ở nước Mỹ.

Tự do, Dân chủ, Nhân quyền ở VN

Nguyễn Khanh: Ông Dân Biểu ghi nhận được những mong muốn gì từ phía Cộng Đồng? Ông Dân Biểu có thể chia sẻ với thính giả của chúng tôi ở trong nước được không ạ?

DB Cao Quang Ánh: Như anh cũng biết là vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam, một nước Việt Nam tự do, dân chủ, là vấn đề lớn lao mà Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại muốn tôi phải lưu ý tới, trong vai trò của tôi trong 2 năm tới.

Nguyễn Khanh: Trước dậy ông Dân Biểu đã về Việt Nam?

DB Cao Quang Ánh: Vâng, tôi có về hồi năm 2001 và hồi năm 1994. Lúc 2001 tôi và nhà tôi về để thăm gia đình, thăm anh chị em bên Việt Nam. Trước đó, hồi 1994 tôi về lúc đó còn ở trong Dòng Tên, về để thăm dò cho việc làm của Dòng ở Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Liệu có phải là quá sớm để chúng tôi hỏi là trong 2 năm tới, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Dân Biểu, ông sẽ về Việt Nam với tư cách một vị dân cử Mỹ?

DB Cao Quang Ánh: Tôi có nói chuyện với nhân viên của tôi, như là anh Christopher Ingram có nói đến một chuyến đi quan sát kinh tế ở Việt Nam, hay chẳng hạn để nói chuyện về Giáo Xứ Thái Hà. Đó là một trong việc tôi đã đề nghị với anh Ingam sắp xếp, để tôi cùng với một nhóm người khác về Việt Nam để nói chuyện về các điều đó.

Nguyễn Khanh: Chúng tôi xin lỗi được hỏi một câu hỏi khá tế nhị là sau khi ông đắc cử, phía Việt Nam có liên lạc với ông Dân Biểu chưa?

DB Cao Quang Ánh: Chưa, chưa có.

Nguyễn Khanh: Có lần ông Frank Wolf, đồng viện và cũng là người của đảng Cộng Hoà như ông Dân biểu, nói với tôi là công việc của một Dân Biểu đòi hỏi dành rất nhiều thì giờ cho Quốc Hội, nhưng ông Wolf bao giờ cũng dành ngày Chủ Nhật để đi lễ và cho gia đình. Ông Dân biểu đã nghĩ đến chuyện này chưa?

DB Cao Quang Ánh: Đó là điều bắt buộc vì đòi hỏi của gia đình. Tôi cũng dành một hai ngày trong tuần để lo cho gia đình, chú ý đến con cái, đến gia đình cùng với cô Hiếu là nhà tôi đây.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Dân Biểu, và cũng xin được chào Bà.

Bà Hiếu: Dạ vâng, xin được gửi lời chào đến quý đồng hương khắp nơi trên thế giới.

Việt Nam giữ im lặng trước thỏa thuận Biên giới với Trung Quốc




Phạm Nga

Thứ Sáu, ngày 2-1-2009

BBC News, Bangkok


Khi năm mới bắt đầu, báo chí Việt Nam theo thông lệ tràn ngập những bài vở tin tức tốt lành.

Những tin bài được sắp xếp loại từ những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế, cho tới chiến thắng mới đây trong một giải vô địch bóng đá khu vực.

Thế nhưng, một trong những sự kiện quan trọng nhất - việc phân định ranh giới trên đất liền với Trung Quốc - đã và đang được giữ kín chặt chẽ chỉ được phô bày trong phạm vi giới hạn, ngay cả những phương tiện truyền thông trực tuyến hàng đầu.

Chỉ vài giờ trước khi thời hạn cuối cùng cho bản thỏa thuận chấm dứt, các nhóm thương thảo của Việt Nam và Trung Quốc đã loan báo một sự nhất trí.

Hiệp định này đã và đang kéo dài gần 35 năm kể từ khi Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu thảo luận về đường biên giới và gần một thập kỷ kể từ khi hai bên ký một thỏa thuận khung về biên giới trên đất liền.

Quá trình phân định ranh giới toàn bộ đường biên giới trên lãnh thổ nội địa giữa hai nước giờ đây đã và đang được hoàn tất chính thức.

Thành quả của công việc khó khăn gian khổ này không đáng được đưa tin tức tin tức rầm rộ rõ ràng hơn hay sao?

Hạ giọng

Ông Bùi Tín, cựu đại tá quân đội và biên tập viên báo chí hiện đang sống lưu vong, đã cho rằng việc thông báo vào phút cuối như vậy cho thấy những dấu hiệu hoàn toàn do "sức ép về thời hạn cuối cùng".

"Có vẻ như họ (Việt Nam và Trung Quốc) đã ở trong tình trạng chịu sự câu thúc về thời gian ghê gớm để hoàn tất thỏa thuận, thậm chí khi không phải tất cả các điều khoản đã được đồng ý và thực hiện," ông nói.

"Câu hỏi ở đây là: ai gây sức ép lên ai?" ông Tín nhận xét thêm.

Nhiều người ở Việt Nam tin rằng chính phủ của họ đã bị Bắc Kinh thúc ép trong việc thông qua lần cuối cùng các thỏa thuận với nội dung chỉ có lợi cho phía Trung Quốc.

Một số người còn lo ngại rằng Hà Nội đã nhường quá nhiều đất, mối quan ngại của họ đã được kích động thêm bởi thực tế là không công bố công khai bản đồ chi tiết về những đường biên giới được thỏa thuận.

"Không có sự nhượng bộ nào"

Chính phủ Việt Nam luôn phủ nhận là đã có bất cứ sự nhượng bộ nào.

Ông Lê Công Phụng, đại sứ tại Liên hiệp quốc và là cựu trưởng đoàn của ban viên giới chính phủ, đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn tháng Chín rằng Việt Nam giữ đúng theo những tuyên bố về lãnh thổ đã được thực hiện trong hai hiệp định lịch sử được ký kết bởi chính quyền thuộc địa Pháp trước đây và Triều đình nhà Thanh của Trung Quốc năm 1887 và 1895.

"Đối với một vài khu vực đặc biệt, hai bên có thể, thông qua những cuộc thương thảo thân thiện, có sự điều chỉnh thích hợp hơn trên tinh thần thông cảm và thỏa hiệp lẫn nhau, công bằng và hợp lý," theo ông Phụng được Thông tấn xã Việt Nam trích lời.

Ông cũng nói rõ rằng một sự xác định rõ ràng hơn về đường biên giới trên bộ giữa hai nước là cần thiết cho "quản lý tốt hơn và duy trì sự ổn định trong vùng biên giới".

Việt Nam và Trung Quốc đã từng giao tranh trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào tháng Hai năm 1979, gây tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng của cả hai nước.

Minh bạch

Tình trạng phân định biên giới không rõ ràng đã gây ra những tranh cãi đôi lúc nổi lên giữa hai nước trong quá khứ.

Thế nhưng những người chỉ trích cho rằng, trong khi một đường biên giới được xác định rõ ràng hiển nhiên là điều cần thiết, song phải có sự minh bạch và hỏi ý kiến công chúng từ đầu đến cuối trong tất cả quá trình thương thảo.

Ông Hồ Văn Dương, từ Thành phố Hồ Chí Minh, đã viết cho Ban Việt ngữ đài BBC: "Hầu hết người Việt Nam đều không biết nhiều về nội dung bản thỏa thuận biên giới trên đất liền. Tại sao chúng tôi, những người mở mang và bảo vệ lãnh thổ của mình, lại không xứng đáng được hiểu biết nhiều hơn về sự kiện quan trọng nhất này?"

Một người khác, tên là Conan, đã khuyên chính quyền chớ có vội vã. Ông viết: "Chúng ta không nên tỏ ra vội vã trong những dự án làm đường của mình, tại sao lại phải vội vã trong việc ký kết các thỏa thuận biên giới?"

Chủ quyền tối cao về lãnh thổ là một vấn đề hệ trọng và là một mối quan tâm lớn của hầu hết người Việt Nam.

Cuối năm 2007, khi có tin Trung Quốc loan báo các kế hoạch thiết lập một đơn vị hành chính trên đảo Hải Nam để sát nhập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp, những cuộc phản kháng đông đảo đã nổ ra tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cả Việt Nam và Trung Quốc, cũng như một số nước khác, đều tự cho là có chủ quyền đối với khu vực giàu tài nguyên khoáng sản này.

Tình trạng khó xử

Ông Bùi Tín, một người hay lớn tiếng chỉ trích chế độ, đã nói rằng Hà Nội giờ đây đang phải đối mặt với một tình trạng vô cùng khó xử.

"Họ không muốn làm mếch lòng Trung Quốc song cũng không thể liều lĩnh trước những phản ứng và những chỉ trích mạnh mẽ từ công luận," ông nhận xét.

Theo ông Tín, bản tuyên bố có nhiều chữ mập mờ được phát ra sau thông báo hoàn thành, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận "sớm hoàn thành và ký Nghị định thư Phân định Biên giới ... và sẽ tổ chức một buổi lễ vào một thời điểm thích hợp" có nghĩa là không phải cả hai nước đều đã đồng ý mà vẫn còn những công việc phải làm.


Hiệu đính: TBT Trần Hoàng


Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009