Bị cấm đoán, kiểm duyệt, trù dập và bỏ tù Sáu nhà văn Việt lãnh giải nhân quyền Hellman/Hammett



(New York, 13/10/2009) - Hôm nay Tổ chức Giám Sát Nhân quyền (HRW) cho biết có đến sáu nhà văn người Việt nằm trong số 37 nhà văn đến từ 19 quốc gia sẽ lãnh nhận giải thưởng nhân quyền cao quý Hellman/Hammett của năm nay. Đây là giải thưởng dùng để vinh danh những cống hiến của họ vào việc góp phần đem lại sự tự do bày tỏ quan điểm và sự cam đảm của họ vì phải luôn đương đầu với mọi trù dập của nhà cầm quyền.

Họ là những cây viết và cũng là nhà hoạt động dân chủ nhân quyền đã và đang bị trù dập trong thời gian qua. Ngoài những kinh nghiệm mà họ đã trải qua, họ còn là những người đại diện cho những nhà văn nhà báo khác hiện đang bị nhà nước trù dập, bách hại.

Bà Elaine Pearson, phó Giám đốc phân Bộ Á Châu HRW nói: "Vinh danh họ là làm nổi bật những sự việc đang xảy ra ở Việt Nam, mà hiện nay còn nhiều người trên thế giới chưa biết đến. Đây là nơi mà nhà nước thẳng tay trù dập các tiếng nói đấu tranh ôn hòa đòi hỏi tự do ngôn luận, hệ thống báo chí truyền thông độc lập và quyền được tự do sử dụng internet mà không bị kiểm duyệt, và nhà nước này cũng làm bất cứ điều gì miễn là có thể đàn áp những tiếng nói này.

Những người lãnh giải năm nay từ Việt Nam gồm có:

- Một chủ Blog bị giam tù vì mạnh miệng đưa ra lời kêu gọi cải cách dân chủ.

- Nhiều cây viết có chân trong tờ báo Tổ Quốc, một tờ báo "chui".

- Một vị tu sĩ Phật giáo từng ở tù 26 năm trời chỉ vì niềm tin tôn giáo và viết sách.

- Một nhà văn chuyên chỉ trích gay gắt các vấn đề xã hội, và cũng là một cựu sĩ quan quân đội cộng sản; và

- Một cây viết là người dân tộc Tày đến từ một tỉnh phía Bắc. Là một đảng viên nhưng ông đã bị khai trừ khỏi Đảng sau khi lên tiếng ủng hộ dân chủ.

Hai trong số các vị này là cô Phạm Thanh Nghiên và cựu trung tá Trần Anh Kim hiện đang ở trong tù, đang chờ xét xử các tội liên quan đến hoạt động dân chủ và viết lách.

Trong những năm vừa qua, có khá nhiều tiếng nói đối lập đã bị bắt giam. Đầu tháng 10 năm 2009, tòa án ở Hải Phòng và Hà Nội đã kết án tù 9 nhà đấu tranh, bao gồm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, là người đã lãnh giải Hellman/Hammett năm 2008. Bà Trần Khải Thanh Thủy, một nhà văn đã lãnh giải Hellman/Hammett, là người từng bị giam tù 9 tháng vào năm 2007, mới đây đã bị công an đánh đập và bắt giam hôm 8 tháng 10, chỉ vì bà muốn đến tòa án ở Hải Phòng và Hà Nội để nghe xử án các bạn của mình.

Bà Elaine Pearson phát biểu "Hơn lúc nào hết khi nhà nước Việt Nam đang gia tăng đàn áp, thì việc công nhận các nhà văn bị giam cầm là điều quan trọng cần phải làm.

Mục đích của giải Hellman/Hammett là cung cấp tài chánh để giúp đỡ một phần nào những nhà văn bị trù dập do bị mất việc hoặc cho khoảng thời gian ngồi tù chỉ vì đã dám lên tiếng đối đầu với chế độ".

Nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng những hình thức phong tỏa kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp để trù dập tiếng nói của những nhà văn này. Họ luôn bị quấy phá, hành hung, triệu tập lên làm việc, giam tù bằng những cái tội vu vơ, bị áp lực đuổi việc, cách ly với xã hội chung quanh, bị công an câu lưu và thẩm vấn, bị đem ra "đấu tố" trước công chúng và bị những tay sai đầu gấu hành hung đánh đập. Ngoài những nhà văn là nạn nhân trực tiếp, thì những nhà báo làm việc cho báo chí nhà nước cũng bị buộc phải "giữ mình" nghiêm ngặt đối với những bài viết của mình.

Hellman/Hammett là giải thưởng được tổ chức hằng năm do Tổ chức Giám sát Nhân quyền đặt ra và được trao cho các nhà văn bị chính quyền trù dập khắp nơi trên thế giới. Giải này bắt đầu từ năm 1989 khi nhà biên kịch người Mỹ Lillian Hellman ghi rõ trong di chúc rằng tài sản của bà sẽ được sử dụng để giúp đỡ trường hợp các nhà văn gặp nạn sau khi bày tỏ chính kiến.

Chính kinh nghiệm của người bạn đời lâu năm, tiểu thuyết gia Dashiell Hammett và kinh nghiệm của bản thân mình, đã thôi thúc tâm tư của bà Hellman, bởi vì trong những năm của thập niên 50s cả hai người từng bị các ủy ban của hạ viện quốc hội Mỹ triệu tập vì có những hoạt động liên quan đến niềm tin chính trị và các hội đoàn cánh tả. Những sự việc này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của bà Hellman, trong khi ông Hammett có một thời gian phải ngồi tù.

Năm 1989, người thi hành di chúc của bà Hellman đã yêu cầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) hoạch định một chương trình giúp đỡ các nhà văn bị trù dập do lên tiếng chỉ trích các quan chức chính phủ hoặc các có các bài viết tố cáo.

Hơn 20 năm qua, có hơn 700 nhà văn từ 91 quốc gia đã được trao giải này, với giá trị lên đến $10,000, tổng cộng hơn $3 triệu đô Mỹ. Chương trình này cũng giúp đỡ tài chánh cho những trường hợp khẩn cấp khi một nhà văn cần tiền để rời bỏ quốc gia của mình hoặc là những trường hợp cần chữa trị bệnh khẩn cấp sau khoảng thời gian ngồi tù hoặc bị tra tấn.

Trong số 37 người lãnh giải năm nay, mỗi nước Trung Quốc, Việt Nam và Iran đều có 6 nhà văn được trao giải. Những người còn lại đến từ Miến Điện, Columbia, Ai-Cập, Eritrea, Gambia, Iraq, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Rwanda, Sri Lanka, Syria, Tây Tạng, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Zimbabwe.

Tên tuổi của 6 nhà văn Việt Nam lãnh giải năm nay:

Nguyễn Hoàng Hải, tức Blogger Điếu Cày, 57 tuổi, là một Blogger nổi tiếng và bị bắt giam chỉ vì đưa ra những lời kêu gọi dân chủ hóa và chấm dứt tham nhũng bất công ở Việt Nam. Ông là một cựu chiến binh, đã sử dụng bút hiệu "Điếu Cày" để đưa lên trang blogs của mình nhiều bài viết chỉ trích thái độ ươn hèn bạc nhược của nhà nước VN đối với nước láng giềng Trung Quốc. Năm 2006, ông thành lập "Câu lạc bộ các nhà báo tự do". Kể từ đầu năm 2008, ông Điếu Cày bắt đầu bị công an theo dõi nghiêm ngặt trước cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua Sài Gòn. Ông bị bắt ngày 19/04/2008 và bị kết tội "trốn thuế", mà nhiều người cho rằng chỉ là cái cớ để bắt ông về các bài viết trên Blog và các hoạt động đấu tranh khác. Ông bị giam giữ cho đến tháng 9 năm 2008 và bị xử án 2 năm rưỡi tù giam. Thoạt đầu ông bị tạm giam tại khám Chí Hòa Sài Gòn, nhưng sau đó bị chuyển về giam tại trại tù Cái Tàu, Cà Mau vào đầu năm 2009. Muốn biết thêm chi tiết về Điếu Cày, xin bấm vào đây.

Nguyễn Thượng Long, 62 tuổi, một thầy giáo trung học, đã trở nên một cây viết nổi bật trong làng báo đối kháng tại Việt Nam, kể từ sau khi ông nghỉ hưu năm 2007. Khi còn dạy học, ông đã từng nổi tiếng với nhiều bài viết chỉ trích hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Ông mô tả sự tham nhũng có hệ thống giai tầng, cũng như sự giối trá trong thi cử và mua bán đề thi. Năm 2001, tại một hội nghị giáo dục thường niên tỉnh Hà Tây, ông có một bài phát biểu nảy lửa lên án các tệ đoan trong ngành giáo dục. Mặc dầu bài phát biểu này được đăng trên nhiều tập san và báo trong nước, nhưng ông vẫn bị đình chỉ công việc 5 năm. Năm 2007, tin rằng không có cách nào có thể cải tổ nền giáo dục từ trên xuống, ông nghỉ việc và gia nhập tờ báo Tổ Quốc, tiếng nói của những người đối lập. Kể từ khi gia nhập tờ báo này, ông liên tục bị hăm dọa, giam giữ, thẩm vấn và bị cấm ra khỏi nơi cư trú.

Phạm Thanh Nghiên, 33 tuổi, một nhà tranh đấu và là một cây viết có tài, đã bị bắt giữ cách đây hơn 1 năm. Vào năm 2007, khi công ty dệt len nhà nước, nơi cô làm việc bị phá sản, cô Nghiên bắt đầu hoạt động tranh đấu cho dân oan bị cướp đất và viết các bài kêu gọi dân chủ và nhân quyền. Nhà cầm quyền ngăn cấm cô không cho tham dự phiên tòa xử nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân, và từ đó cô liên tục bị công an hăm dọa, trù dập, tra vấn. Tháng 6 năm 2008, cô Nghiên bị công an bắt giữ sau khi đồng ký tên vào một lá thư gởi đến Bộ Công An để xin phép tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa chống tham nhũng. Một vài ngày sau, cô bị một đám côn đồ tấn công và dọa giết nếu vẫn còn tiếp tục "những hành động thù nghịch" chống đối nhà nước. Vào thàng 9 năm 2008, cô Nghiên bị bắt và từ đó đến nay bị giam tại trại giam B-14 Thanh Liệt, Hà Nội. Muốn biết thêm chi tiết về Phạm Thanh Nghiên, xin bấm vào đây.

Thượng tọa Thích Thiện Minh, 56 tuổi, một tu sĩ Phật giáo, nguyên quán tỉnh Bạc Liêu, miền Nam, bị tù chỉ vì lên án chính sách bách đạo của nhà nước cộng sản. Ông phải trải qua 26 năm tù (1976 - 2005) trong các nhà tù từ Xuân Phước, cho đến Xuân Lộc, và nhiều bị tra tấn, ngược đãi. Kể từ khi ra khỏi tù, ông không được trở về nguyên quán để tiếp tục tu hành. Ông tiếp tục bị quản chế và ngược đãi vì đã thành lập Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo. Vì thế ông trở thành phát ngôn nhân cho các tù nhân chính trị bị ngược đãi. Năm 2007, thầy Thích Thiện Minh cho ra mắt cuốn “Hồi ký 26 năm lưu đày", kể lại kinh nghiệm của bản thân mình trong thời gian bị tù đày cũng như tố cáo chế độ trại tù hà khắc.

Trần Anh Kim, còn có tên gọi là Trần Ngọc Kim, 61 tuổi, là một cựu trung tá trong Quân đội Nhân dân VN, hiện đang chờ ngày ra tòa xét xử vì các bài viết và hoạt động dân chủ. Ông Trần Anh Kim nổi tiếng vì từng thu thập chữ ký để tố cáo các quan chức tham nhũng trong hàng ngũ Đảng. Năm 1991, trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 7, công an bắt ông với tội danh "lạm dụng quyền hạn để ăn cắp tài sản nhà nước". Sau đại hội, ông được trả tự do và khôi phục chức vụ. Năm 1994, ông bị bắt lần nữa, bị giam 2 năm tù và giáng cấp xuống binh nhì. Sau một năm giam cầm, ông được trả tự do, và bắt đầu cuộc vận động chống lại bản án dành cho ông trước đây. Năm 1997, trong một nỗ lực hòa giải, ông được thăng chức Trung tá. Nhưng ông tiếp tục "cứng đầu", đòi hỏi công lý và bị sa thải khỏi quân đội, bị mất tất cả quyền lợi, kể cả các khoản phụ cấp, hưu dưỡng. Năm 2006, ông trở thành một cây bút đấu tranh nổi tiếng, rồi tham gia Khối 8406. Ngoài ra ông còn là thành viên của Ban biên tập báo Tổ Quốc. Ngày 6/07/2008, ông bị bắt với các tội danh chiếu theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự như "tuyên truyền chống phá nhà nước" và tham gia Đảng Dân Chủ Việt Nam.

Vi Đức Hồi, 54 tuổi, dân tộc Tày ở Lạng Sơn và là một viên chức Đảng ở cấp huyện, và bị khai trừ khỏi Ðảng và bị quản chế. Ông Vị Đức Hồi sinh ra trong một gia đình cộng sản nòi, có bằng cử nhân kinh tế, chính trị và luật. Ông gia nhập đảng năm 1980 và nhanh chóng thăng tiến lên một vị trí ở cấp huyện. Năm 2006, ông bắt đầu viết một số bài chỉ trích đảng và kêu gọi cải cách dân chủ - thoạt đầu là sử dụng bút hiệu, nhưng sau khi bị khai trừ khỏi Ðảng thì sử dụng ngay tên thật của mình. Vào tháng 3 năm 2007, sau khi biết được ông chính là tác giả của nhiều bài viết dân chủ, ông bị bắt, bị khai trừ khỏi đảng và mất chức. Kể từ đó, ông bị quản chế nghiêm ngặt, công an canh gác suốt ngày ở bên ngoài nhà ông và liên tục đe dọa những ai đến thăm ông. Ông thường xuyên bị triệu tập lên công an tỉnh và Bộ để thẩm cung và hai lần bị đưa ra đấu tố tại địa phương. Vợ của ông, một cô giáo, cũng bị mất việc và khai trừ khỏi Ðảng chỉ vì từ chối tố cáo chồng mình.

Để xem đầy đủ chi tiết danh sách các nhà văn nhận giải năm nay, hãy bấm vào đây.