THÓI NGU DỐT HAY LÀ XEM THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CỦA QUAN CHỨC VIỆT NAM?




THÓI NGU DỐT HAY LÀ XEM THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CỦA QUAN CHỨC VIỆT NAM? magnify
Thành tích cùng hưởng nhưng không ai chịu trách nhiệm cá nhân cả
(Ảnh: Báo PL TP HCM)

.
April 17, 2008
.

I- BẤT NGỜ SỰ KIỆN VỊNH HẠ LONG BỊ LOẠI KHỎI CUỘC BÌNH CHỌN 7 KỲ QUAN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

Ngày 14/4/2008, tất cả những người bỏ phiếu bầu chọn cho vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên trên thế giới trên trang web http://www.new7wonders.com không khỏi bất ngờ, hẫng hụt khi tìm mãi mà chẳng thấy cái tên vịnh Hạ Long của Việt Nam. Trong khi trước đó, danh thắng này của Việt Nam luôn ở vị trí dẫn đầu.

Theo báo Người Lao Động ngày 16/4/2008, ông Ngô Văn Hùng-Giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long (UBND tỉnh Quảng Ninh) xác nhận kể từ ngày 14-4, vịnh Hạ Long đã không còn xuất hiện trong danh sách bình chọn của Tổ chức New Open World (NOW) tại website http://www.new7wonders.com. Ông Hùng giải thích việc vịnh Hạ Long biến mất tại danh sách bình chọn là do phía VN không tuân thủ luật chơi của tổ chức này.

Ngoài vịnh Hạ Long, VN còn có hai danh thắng khác là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và núi Phan-xi-păng (Lào Cai) cũng được bình chọn. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, hai địa danh này đã không xuất hiện trong bản danh sách bình chọn trên website...

Ông Hùng cũng cho biết: Ngày 7-4, ông đã nhận được thư từ phía NOW nói rõ việc vi phạm luật chơi của phía VN khi có một số website tại VN đã vi phạm quy định của họ. Cụ thể, mốt số website tại VN đã sử dụng logo, hình ảnh và website của NOW để link vào website của mình và tiến hành các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Về hành vi này, NOW yêu cầu phía VN phải nộp tiền, nếu không sẽ loại bỏ vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách.

Sau khi nhận được thư của phía NOW, ông Hùng đã liên hệ với các cơ quan có dùng website để tiến hành vận động bình chọn cho vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Hùng, phía VN nghĩ họ chỉ “dọa” mà không làm thật nên chưa có trả lời chính thức. Đến ngày 14-4, theo đúng lịch hẹn trả lời (7 ngày), phía NOW đã không nhận được hồi âm từ phía VN nên mặc nhiên loại bỏ vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách bình chọn.

Than ôi! Làm việc với nước ngoài mà các quan chức nhà ta cứ tưởng như ở Việt Nam “dọa”, “nhát ma” để “hù” nhau chơi cho vui, cứ “trên bảo dưới không nghe”, xem thường đối tác, để khi người ta cứ nguyên tắc mà thi hành thì hụt hẫng, té ngữa.

.

II- THÓI NGU DỐT HAY LÀ XEM THƯỜNG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ CỦA QUAN CHỨC VIỆT NAM?

Từ sự kiện danh thắng Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và núi Phan-xi-păng (Lào Cai) bị loại ra khỏi danh sách bình chọn, giật mình nhìn lại, thấy đây không phải là lần đầu Việt Nam bộc lộ sự yếu kém về khả năng, sự tắc trách trong cung cách làm việc trong môi trường quốc tế. Mà điển hình là 3 sự kiện nổi tiếng sau:

1. Vụ kiện Christian Letard

Ông Christian Letard- nguyên Huấn luyện viên Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam khởi kiện VFF vì đã sa thải ông trái luật. Khi bị Tòa Án Trọng Tài Thể Thao Quốc Tế (CAS) tống đạt văn bản yêu cầu giải trình, các quan chức trong Thường vụ VFF không thèm đếm xỉa đến nó. Nhiều quan chức trong VFF còn không biết có tồn tại cái tòa án này hay không và cứ đinh ninh rằng mình chỉ chịu ảnh hưởng của Ủy ban tư cách FIFA (vốn đã phán quyết VFF bồi thường cho ông Letard 35.000 USD hồi tháng 2-2003). Cuối tháng 10-2004, CAS tống đạt quyết định phạt Việt Nam 197.000 USD, vì đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng.

Nhiều quan chức VFF tìm cách bưng bít thông tin và lừa dối cấp trên, lừa dối dư luận. Ngay trong thông tin đầu tiên, VFF cho rằng CAS gửi văn bản cho mình mới gần đây thôi, nhưng thực ra các văn bản có liên quan đã gửi cho VFF từ tháng 8/2004. Khi nhận được các văn bản này, lãnh đạo VFF chỉ đạo giấu nhẹm, không thông báo cho các ủy viên thường vụ khác, nhưng “cây kim trong bọc có ngày lòi ra”…

Thậm chí, ông Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn còn hiến một “kế” rất “hay ho” là nếu thua kiện thì cứ lấy số tiền 250.000 USD mà FIFA tài trợ cho bóng đá Việt Nam ra gán nợ, rồi tìm nguồn tiền khác cho vào két, cứ làm như 250.000 USD là vỏ hến, ra đống rác bươi bươi một chút là có ngay vậy. Tuy nhiên, nhờ sự phản ứng quyết liệt của một số Ủy viên Thường vụ mà “mưu kế” của ông Tổng thư ký bất thành.

2. VFF phải trả 200.000 USD để “thoát khỏi” Huấn luyện viên Riedl

Sau vụ phải bồi thường 197.000 USD cho ông Christian Letard, VFF vẫn chưa ngấm bài học xem thường luật pháp quốc tế, vẫn cứ hành xử theo kiểu “một mình một chợ” nên VFF đã “diễn” tiếp “màn 2 cảnh 2” ký hợp đồng lao động hớ hênh với HLV Riedl. Để rồi VFF phải bồi thường cho ông Riedl 14 tháng lương (hợp đồng đến tháng 3/2008 mới đáo hạn) cộng thêm 3 tháng lương để ông đi tìm công việc mới. Tính tổng cộng, VFF sẽ phải “đầu tư” hơn 200.000 USD để nhận được sự giải thoát khỏi ông thày người Áo.

Dù VFF đã thuê luật sư tư vấn khía cạnh luật pháp cho việc ký hợp đồng với HLV Riedl nhưng không hiểu sao các điều khoản trong Hợp đồng lại rất có lợi cho người lao động thay vì người sử dụng lao động (phí phạm tiền thuê Luật sư). Ngay như chuyện mới đây, ông Riedl ra ở riêng tại Asiad 15 và tốn thêm 1.000 USD thì VFF cũng phải cắn răng đền bù (chớ không phải “trả hộ” như ông TTK Trần Quốc Tuấn biện hộ). Đơn giản bởi vì trong hợp đồng quy định như vậy, ông Riedl đi bất kỳ nơi đâu cũng được ở 1 phòng riêng ở khách sạn.

3. Vụ kiện Maurizio Liberati

Luật sư Maurizio Liberati (người Ý) khởi kiện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) với lý do VNA vi phạm hợp đồng đại lý. Ngày 9/3/2006 Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) tuyên y án sơ thẩm, buộc VNA phải trả 5,2 triệu Euro (tương đương trên 100 tỷ đồng) cho nguyên đơn Maurizio Liberati.

Ban đầu, VNA nghĩ rằng ông Maurizio Liberati có kiện cũng chả làm gì được mình vì Việt Nam và Ý chưa ký Hiệp định Tương trợ tư pháp; nhưng lại “quên” rằng tiền của mình đang nằm trong két của thiên hạ, và không biết rằng luật quốc tế có quy định người ta có thể phong tỏa tài khoản bị đơn thông qua một nước thứ 3 “vừa có ký Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam vừa có ký Hiệp định Tương trợ tư pháp với Ý”, và nước thứ 3 này là nơi VNA có mở tài khoản kinh doanh, đó là Pháp. Hậu quả là sau thời gian dằng dai gần 10 năm, khoản tiền mà VNA buộc phải bồi thường đã tăng khoảng 1 triệu Euro.

VNA còn phải trả 10.000 USD chi phí luật sư cùng những khoản tiền khác theo quyết định của Tòa án. Khoản bồi thường này hiện chưa tính đến lãi suất từ tháng 11/2003 đến nay. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay sau khi bị đơn nhận được bản án.

Dân phải đóng thuế mà trả cho VNA, và đến nay, chưa một lãnh đạo nào của Tổng Công ty bị quy trách nhiệm về khoản thiệt hại khổng lồ nói trên.

Photobucket
.
WALL STREET JOURNAL
Quảng bá hình ảnh VIỆT NAM trên báo Wall Street Journal
.

III- AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ THIỆT HẠI TÀI SẢN QUỐC GIA?

1. Sự nỗ lực của Chính phủ để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Theo ông Phạm Hữu Minh- Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch (Tổng cục Du lịch), phía Việt Nam sẽ phải chi 400.000 USD để thuê phát sóng liên tiếp du lịch VN trên kênh CNN trong 3 tháng trong 3 tháng. Phía CNN cũng chấp nhận tặng toàn bộ kinh phí làm video clip chương trình quảng bá (trị giá khoảng 40.000-50.000 USD) cho Việt Nam. Khi Chính phủ đồng ý, việc quảng bá du lịch Việt Nam sẽ được phát chính thức trên CNN từ quý 3/2007.

Tuổi trẻ Online hôm 25/9/2007, phần trang trọng nhất được giành cho bài viết, hình ảnh và cả phần âm thanh hai xướng ngôn viên trình bày về bài “Wall Street Journal giới thiệu các thành tựu của Việt Nam”. Đây là số báo phát hành hôm thứ Hai, 24/9/2007 và 4 trang này thuộc Special Advertising Section, tức Phần Quảng cáo Đặc biệt. Báo chí quốc tế rất minh bạch trong việc trình bày các nội dung của mình. Bài nào có nhận tiền để đăng thì ghi rõ là quảng cáo và tòa soạn không có trách nhiệm gì về nội dung của nó.

Ký giả Huỳnh Lương Thiện, một người từng thuê đăng một số bài của cộng đồng người Việt trên báo Mỹ, cho biết: “Nói chung, những tờ báo lớn thì có giá từ 70 đến 100 nghìn (một trang quảng cáo). Tờ báo này cũng vậy, nhưng chắc phải hơn 100 nghìn một trang. Quảng cáo về thành quả của Việt Nam thì dễ rồi, cứ trả đủ tiền thì đăng thôi....”

Theo TTXVN tại Bỉ, tạp chí “Chiến thắng”, ấn phẩm ra cuối tuần của nhật báo "Buổi chiều" của Bỉ, số ra cuối tuần vừa qua đã dành trọn 4 trang đăng bài và loạt ảnh minh họa của tác giả Xan-đra E-vrát (Sandra Evrard) quảng bá cho du lịch Việt Nam, trong đó có danh thắng Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, vào Google search tìm đỏ con mắt chỉ thấy hàng loạt các tờ báo điện tử Việt Nam, kể cả trang của Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếng Anh lẫn tiếng Việt) đồng loạt đăng tin này, nhưng lại không tìm thấy tạp chí Chiến Thắng (Belgium Victoire) hay Nhật báo Buổi Chiều (Le Soir daily) ở đâu cả. Chẳng biết để có được 4 trang bài quảng bá du lịch cho Việt Nam trên một tờ báo vô danh tiểu tốt (không có được cái website) thì Chính phủ Việt Nam phải chi ra bao nhiêu tiền?

Trong quá khứ và sẽ còn trong tương lai, có rất nhiều quốc gia, tổ chức trả tiền để những cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải những thông tin mà mình muốn công luận chú ý. Vì vậy, việc Chính phủ Việt Nam chi tiền để quảng bá cho ngành công nghiệp không khói của nước mình là việc bình thường và nên làm.

2. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Tuy nhiên, sự nỗ lực quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới của Chính phủ lại dường như bị các quan chức cấp dưới “chọc gậy bánh xe” bằng những hình ảnh lố bịch và ngốc nghếch bày ra trước mắt người nước ngoài, mà điển hình là bốn sự kiện đã nêu ở phần trên.

Dân Trí ngày 16/4/2008 (bài post lên lúc 1:06 PM, tức 13 giờ 06 phút giờ Việt Nam, tức sau khi các báo đăng tin Vịnh Hạ Long bị rút tên ra khỏi website “New 7 Wonders”) thừa nhận trong thời gian qua “trơ trẻn tuyên bố ““New 7 Wonders” chỉ là một dự án cá nhân”, “Dự án này, về cả tầm quan trọng và ý nghĩa bền vững, không thể đóng góp vào việc bảo tồn các địa danh sau khi được bình chọn”.

Ai cũng biết việc các báo trong nước đồng loạt đăng tin, viết bài vận động mọi người tham gia bầu chọn cho Vịnh Hạ Long thì Bộ Thông tin và Truyền thông không thể đứng ngoài cuộc, nếu không muốn nói là theo sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điểm lại quá trình bầu chọn thì thấy: Ngày 23/12/2007, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức phát động bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới; ngày 6/4/2007 EVN Telecom chính thức khởi động điểm bầu chọn cho vịnh Hạ Long. Hóa ra cả Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh, EVN Telecom đều dốt đến mức không biết “New 7 Wonders” chỉ là một dự án cá nhân” nên mới phát động rầm rộ như vậy, đến hôm nay vịnh Hạ Long bị rút tên khỏi danh sách bình chọn thì mới té ngữa ra?

Có thể thấy đây là việc bào chữa hết sức ngụy biện cho cái sự yếu kém và trắc trách của những người có trách nhiệm trong sự kiện này.

- Thiệt hại hữu hình: Từ những vấn đề đã nêu, chúng ta có thể dùng một phép tính cộng đơn giản để thấy Ngân sách Nhà nước (là tiền thuế của dân) bị thiệt hại khổng lồ do hành vi thiếu hiểu biết pháp luật và vô trách nhiệm của các quan chức Việt Nam. Ví dụ: tiền nộp phạt, tiền chi phí cho Luật sư, tiền thuê quảng bá du lịch, v.v…

Nhưng những thiệt hại vô hình do các quan chức này gây ra thì không thống kê được và sẽ không lấy gì bù đắp được.

- Thiệt hại vô hình: Là công sức, thời gian của hàng triệu triệu người Việt Nam trong và ngoài nước miệt mài vận động, bầu chọn cho danh thắng Vịnh Hạ Long; là số ngoại tệ ngành du lịch Việt Nam sẽ thu được nếu Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và núi Phan-xi-păng đạt thứ hạng bình chọn cao và được thêm nhiều người nước ngoài biết đến, mong muốn được đến Việt Nam tham quan, du lịch; là sự “mất điểm” của người Việt Nam đối với người nước ngoài khi quan chức Nhà nước có thói quen làm việc tắc trách, thờ ơ…

3. Giặc nội xâm làm nghèo đất nước

Tiết kiệm là yêu nước”, lời kêu gọi tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy cũ nhưng không lạc hậu.

Nước Việt Nam còn nghèo, người dân Việt Nam còn phải oằn lưng với các thứ thuế, phí để xây dựng đất nước thì bất cứ hành vi nào làm lãng phí, thiệt hại tài sản quốc gia đều là tội ác không thể tha thứ được.

Mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới là: “Trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”, “mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” nhằm “phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh hơn” thì cần sớm loại bỏ bộ máy quản lý “bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt, yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiên phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ” này (Trích Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X).

Chính những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn Nhà nước giao cho để lãng phí, để làm việc theo kiểu tắc trách, thờ ơ, vô trách nhiệm, gây thiệt hại cho ngân khố quốc gia, gây thiệt hại cho người dân, làm nghèo đất nước… đã gây hoang mang, gây mất lòng tin của người dân đối với Chính phủ, vào Nhà nước pháp quyền… đều là giặc nội xâm, mức độ nguy hiểm chả kém gì giặc ngoại xâm. Cản trở sự vận động, phát triển đi lên theo quy luật tất yếu khách quan của đất nước Việt Nam, xã hội Việt Nam, chính là hành vi phản động trong tình hình mới, cần sớm loại trừ để làm mạnh khỏe cơ thể Việt Nam.

.

Tạ Phong Tần

___________________________

Xem thêm:

Diễn biến việc bầu chọn

- Ngày 23-12-2007: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức phát động bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

- Đến 12 giờ ngày 20-2-2008 (giờ VN): Vịnh Hạ Long vượt lên giữ vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng 77 ký quan được bình chọn nhiều nhất. Đỉnh núi Phan-xi -păng vượt lên một bậc, xếp thứ năm. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn giữ nguyên vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng.

- Ngày 6-4: EVN Telecom chính thức khởi động điểm bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới tại Công viên 23-9 (TPHCM). EVN Telecom còn dự kiến sẽ tổ chức đoàn xe đạp đi xuyên Việt để cổ động cho cuộc bầu chọn.

- Ngày 9-4: Phong Nha - Kẻ Bàng và Phan-xi-păng đã bị gỡ ra khỏi danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do trang web new7wonders.com tổ chức.

- Ngày 14-4: NOW gạt luôn tên vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách.

8 nhận xét:

  1. ai đã chủ trương cho Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng và Phan-xi-Păng biến khỏi trang web bầu chọn? và những trang web [của báo] nào đã thông minh vi phạm luật chơi này?

    Trả lờiXóa
  2. Nghe tin này PL vừa đau lòng, vừa bực mình vì sự chủ quan ngu dốt của quan chức VN ! Có lẽ nếu như chính quyền VN chả cần hô hào, cổ động rầm rộ gì thì Vịnh Hạ Long vẫn sẽ được giới du lịch thế giới bình chọn là kỳ quan . Nhìn xem bao nhiêu chục năm nay có ai cần phải giở trò gian lận hay hô hào cổ động gì đâu mà Vịnh Hạ Long vẫn được bình chọn .
    Là dân ghiền du lịch như PL, tự dưng thấy bực không thể tả vì cái vụ hành xử ngu xuẩn của những người nắm quyền hành trong tay mà suy nghĩ thiển cận và hồ đồ hết sức !

    Trả lờiXóa
  3. may ma minh chua bau!

    Trả lờiXóa
  4. may ma minh chua bau!

    Trả lờiXóa
  5. Đây quả một trò ngu theo đúng nghĩa. Các quan chức VN XƯA nay vẫn quen thói hành xử bạo quyền, có coi luật pháp quốc tế ra gì đâu.

    Trả lờiXóa
  6. Thật đau lòng vì gần đến giai đoạn cuối thì bị loại bởi lý do ngớ ngẩn. Gần 1 năm vận động, bình chọn... cuối cùng thành số 0!!!
    Tôi có thể đưa bài viết này về blog cá nhân được không?

    Trả lờiXóa
  7. đằng sau 250.000 và những số tiền tương tự, là một kho vàng với những quan chức. Họ cứ mặc sức mà rút, tỉa tiền tỷ. 250.000$ là con số nhỏ nhoi đối với họ. (vì đơn giản đó không phải là tiền của họ). Phân tích sâu hơn chỗ này cho thấy: bình thường thì có lẽ tiền của FIFA và nhiều tổ chức khác tài trợ hằng năm cũng sẽ vào túi riêng của họ.

    Trả lờiXóa
  8. vậy nên, ai nói là họ ngu. Tôi nói họ chẳng ngu, họ chỉ bưng bít để mặc sức mà ăn thúi thôi. Đừng vịn vào những lý do ngu, thiếu hiểu biết, không có khả năng nữa! Ngu mà vẫn cứ làm lãnh đạo ư?

    Trả lờiXóa